tính cách hữu ngã (personnel) của Ngài: Ông nêu cao tuyệt đối
tính của Thượng đế, do đấy ông tin rằng giữa con người và
Thượng đế có một quãng cách vô cùng; quãng cách này, chỉ có
tôn giáo là chiếc cầu để sang qua. Hai chủ trương này đã có ảnh
hưởng quyết định trên đời sống hai ông: Vì chủ trương một
Thượng đế gần như vô ngã (impersonnel) và một siêu việt gắn
liền với sinh hoạt con người Jaspers có khuynh hướng muốn đưa
Thượng đế đặt trong tầm tri thức của con người; thực sự Jaspers
đã muốn gắn liền siêu việt với hiện sinh và thu giảm tôn giáo vào
trong niềm tin triết học. Jaspers đã dám nghĩ rằng triết lý có thể
thay thế tôn giáo. Trái lại, vì nhận thức đúng đắn về tính chất siêu
việt của Thượng đế, Marcel đã đi từ triết học tới tôn giáo; thoạt
tiên Marcel chỉ là một triết gia vô thần, sau dần ông đã đo con
đường triết lý hiện sinh của ông để gần gũi siêu việt và kết cuộc
ông đã dấn thân vào tôn giáo. Xem thế, hai con đường hiện sinh
của hai ông, ít ra là về phương diện đối với siêu việt, đã tỏ ra đi
ngược chiều nhau; niềm tin của Jaspers dần dần bỏ mất tính chất
tôn giáo để chỉ còn là niềm tin triết học, trong khi đó Marcel đã bắt
đầu bằng niềm tin triết học và ông đã từ đó đi tới niềm tin tôn
giáo.
Về cảm thông cũng thế. Hai triết gia tuy cùng chủ trương liên
chủ tính, nhưng mỗi ông có một cái nhìn riêng. Marcel nghĩ rằng
liên chủ tính là dữ kiện nguyên thủy, nghĩa là trước khi ý thức về
mình. Chúng ta đã ý thức về tha nhân rồi; hay nói đúng hơn, thoạt
tiên chúng ta ý thức về chúng ta (le nous) rồi sau đó chúng ta mới
tự ý thức về riêng mỗi cá nhân của mình (le Je). Trái lại, Jaspers
nghĩ cảm thông là một “tranh đấu trong yêu thương”; như thế cảm
thông đâu có phải là một dữ kiện như chủ trương của Marcel? Có
lẽ ở điểm này, Jaspers đi sát sự thực hơn: Thế thường ai cũng
muốn con người khác là sự vật để cho ta chiếm đoạt, nhưng ta