cũng sớm nhận thức rằng chính ta cần được tha nhân chấp nhận,
và như vậy tình yêu có đi và có lại: Tuy nhiên sự có đi và có lại
này không diễn ra lần lượt như chủ trương của Sartre nhưng diễn
ra đồng thời, nghĩa là khi hai người yêu nhau thực, thì cả hai
cùng yêu và biết mình được yêu. Như thế mới thực là cảm thông
hai chiều. Theo Jaspers, mối cảm thông này rất gay go và đòi hỏi
cả hai người yêu cùng phải cố gắng rất nhiều: Muốn nói lên sự
thực đó, Jaspers đã gọi cảm thông là tranh đấu yêu thương.
Chúng tôi lược lại mấy điểm then chốt đó không ngoài mục
đích nêu cao tính chất dị đồng sâu xa giữa những triết gia của
phong trào hiện sinh. Và như chúng ta vừa nhận định trên đây, sự
khác nhau này không phải tình cờ, nhưng do chính lập trường
của phong trào hiện sinh. Chúng ta vừa nhắc lại trên đây rằng tôn
chỉ số một của triết hiện sinh là đề cao tự do nhân vị. Chúng ta
cũng xác nhận rằng: Triết hiện sinh là triết của chủ thể. Mà chủ
thể thì độc đáo.
2) Tuy có những khuynh hướng khác nhau, các triết gia hiện
sinh cùng chia xẻ một lập trường. Các ông đã tuyệt đối đồng ý
nhau để tuyên ngôn: Triết học không phải là khoa tìm hiểu những
nguyên lý, nhưng là khoa tìm hiểu hiện sinh, tìm hiểu ý nghĩa đời
sống con người. Thật ra phong trào hiện sinh chia sẻ tôn chỉ triết
học này với hai phong trào khác của thời đại chúng ta: Phong trào
mác-xít và phong trào nhân vị. Cả ba trào lưu cùng bỏ hẳn thái độ
khách quan của triết học cổ truyền để lao mình vào đời sống thực
tế: Triết học hiện đại, dầu là hiện sinh, mác-xít hay nhân vị, đều
coi nhẹ cái phần “học về bản tính vạn vật” của người xưa. Triết
hiện đại chỉ chú tâm nghiên cứu về sinh hoạt con người và định
nghĩa con người: Chính trong chiều hướng đó, triết hiện đại đã
giúp con người ý thức về cái sống và cái chết của mình, nhân đó
dễ đưa con người về tới tôn giáo hơn.