Theo ông, mặc dầu những tiến bộ lớn lao về kỹ thuật, con
người ngày nay vẫn lấy mánh lới và bạo động làm nền tảng các
giao tiếp xã hội và bang giao quốc tế. Con người vẫn chưa vươn
tới mức sống cảm thông chân thành với tha nhân trong niềm
thông giao của hiện sinh. Xã hội chúng ta còn thiếu nhân đạo lắm.
Heidegger thật xứng huy hiệu ông đã tự chọn: Triết gia nghiên
cứu về hiện hữu. Theo nhận định các giới đại học cũng như nhìn
vào ảnh hưởng của ông đối với các ngành văn học, người ta
chắc rồi đây triết hiện hữu của ông sẽ ảnh hưởng sâu rộng và
bền lâu nhất. Triết của ông không chịu dừng ở bình diện hiện sinh
như triết Jaspers, nhưng ông quyết tâm đào bới tới nguồn phát
xuất ra hiện sinh, tức hiện hữu: Hiện sinh là bình diện sinh hoạt
phản tỉnh của con người, hiện hữu là bình diện sinh hoạt tri giác,
tức sinh hoạt chưa phản tỉnh. Chính sinh hoạt tri giác này đã cho
con người chứng kiến “thế giới hình thành thế giới” cho mình,
đồng thời mình bắt đầu là hiện hữu tại thế, ở cái thế giới mình
vừa khai minh. Thế giới này thường được triết cổ truyền gọi là đối
tượng vì triết cổ truyền chú trọng về suy tưởng, chưa hiểu được
rằng “hiện hữu kia có khai sáng thì mới có đối tượng tri thức của
ta. Vì quá mải miết công việc đào tới cơ cấu hiện hữu sâu xa đó,
Heidegger vẫn chưa có thì giờ bàn về những vấn đề như định
mệnh con người và vấn đề Thượng đế. Trong những tác phẩm
gần đây nhất, ông kịch liệt chống lại những ai muốn hiểu tư tưởng
triết lý của ông theo hướng vô thần, hoặc theo hướng thuyết
dửng dưng (indifférentisme). Ông không chối và cũng không
dửng dưng với vấn đề Thượng đế, nhưng ông tự nhận chưa có
kinh nghiệm hiện hữu về Thượng đế nên chưa đủ thẩm quyền.
Một trong những triết gia Đức am hiểu tư tưởng Heidegger hơn
cả, giáo sư Max Muller, đã không ngần ngại viết: “Heidegger đã
tự đặt cho mình những giới hạn, như thế không có nghĩa là chối