Marcel không tự nhận là triết gia hiện sinh, và tự nhận là môn
đệ Socrate. Ông gọi triết của ông là “Tân phái Socrate”. Có lẽ
cũng như Socrate, ông quên không đưa ra một nền triết lý mạch
lạc. Quên hay hữu ý? Marcel đã chỉ viết những nhật ký triết học,
những kịch triết học; ông chưa viết một cuốn nào để hệ thống hóa
tư tưởng của ông, thành thử người ta khó lãnh hội triết lý của
ông. Mấy năm gần đây Troisfontaines đã viết cuốn sách để hệ
thống hóa tư tưởng của Marcel: Chính Marcel đề tựa cuốn đó, và
nói ông coi sách đó như của ông. Nhưng Troisfontaines không
phải là Marcel: Và người ta vẫn chưa có cuốn nào của Marcel
giúp lãnh hội cái triết lý sâu sắc nhưng bị tản mác trong những
trang nhật ký kia. Triết của Marcel đề cao nhân vị và tương chủ
tính: Trong hướng này, ông được coi là ông nội của thuyết nhân
vị (Mounier - Lacroix - Nédoncelle). Và người ta không bao giờ
quên được những phân tích tế nhị và chính xác của ông về
những dị đồng giữa chiếm hữu và hiện hữu, giữa sự vật và nhân
vị.
Jaspers nên được coi như kiểu mẫu tốt đẹp nhất của phong
trào hiện sinh: Ông là kết tinh của Nietzsche và Kierkegaard.
Trong triết lý của ông, người ta thấy truyền thống gắn liền với
canh tân, con người kết liên với Thượng đế và tự do không mâu
thuẫn với cảm thông. Nhấn mạnh vào tình trạng “bị xé” của hiện
sinh (bị xé giữa vật lý và tinh thần, bị xé giữa hai thái độ cá nhân
và sinh hoạt đoàn thể, bị xé giữa tự do chủ thể và niềm kính tôn
vâng phục Thượng đế). Jaspers ý thức cuộc đời con người như
một vươn lên không ngừng, một vươn lên đầy khó khăn và đòi
khá nhiều ý thức tự quy. Triết lý Jaspers là một cố gắng để mang
lại cho mỗi người một cuộc sống có nhân vị và xứng đáng với
định mệnh của mình, đồng thời mang lại cho xã hội loài người
một cách sống hợp với đấng làm người.