hưởng của hai ông tổ kia, thì chúng ta thấy một nền hiện sinh
phong phú hơn, trái lại những triết gia chỉ chịu ảnh hưởng của
một mình Nietzsche như Sartre, thì lời lẽ hay quá đáng và tư
tưởng thiếu phần xây dựng. Phải nói gì thêm về Jaspers, Marcel,
Heidegger và Sartre? Chúng ta đã nói tất cả những gì là đại
cương và cần thiết để nêu lên những đặc sắc của mỗi luồng tư
tưởng đó.
Có lẽ chúng ta nên nhận xét thêm đôi chút về triết lý của mỗi
ông.
Chúng ta đã thấy thái độ ngông cuồng và phẫn uất của Sartre.
Ngông cuồng vì chủ trương không có Thượng đế, nên ông nghĩ
mình có tự do tuyệt đối để muốn nghĩ gì thì nghĩ, và muốn dùng
cuộc đời mình làm chi thì làm. Ông chẳng bảo con người phải tự
tạo ra con người là gì? Thái độ của Sartre làm người ta có cảm
giác rằng: Ông nghĩ chỉ có mình ông ở trần gian, ông không biết
đến tha nhân và tất nhiên là không biết đến Thượng đế. Rồi khi
bàn về hai điểm vô cùng quan hệ cho đời sống con người, tức
nhân sinh quan và vũ trụ quan, chúng ta thấy Sartre kết cuộc đã
dẫn ta đến vực thẳm của phi lý và thất vọng. Mà thực sự có như
thế đâu? Giả thử đời người ta thực sự như thế, chúng ta sẽ có đủ
can đảm để nhìn nhận sự thực. Trong lịch sử nhân loại, chúng ta
mới chỉ thấy một mình Sartre đưa ra vũ trụ quan đó và nhân sinh
quan đó thôi. Thực sự Sartre có tin tưởng lời ông viết không?
Nhiều độc giả đã nêu lên sự kiện này: Đọc Sartre người ta có
cảm tưởng như Sartre chỉ nói giễu thiên hạ để bắt thiên hạ suy
nghĩ chơi. Nói thực ra, ai mà sống nổi cái triết lý của Sartre? Và
nếu mọi người đều sống cái triết đó, thì thế gian này còn là trần
gian của con người chăng, hay sẽ biến thành địa ngục? Triết lý
của Sartre là triết lý cá nhân, tự kỷ, trưởng giả, ngạo nghễ, thiếu
xây dựng.