của giáo sư S.Breton. Theo Breton thì hiện nay chỉ có hai trào lưu
tư tưởng: Trào lưu mác-xít và trào lưu hiện sinh. Cái nhìn của
Breton không hoàn toàn bao quát hết mọi triết thuyết hiện còn
được giảng dạy và học theo, chẳng hạn chúng ta vẫn thấy thuyết
Hégel được đề cao qua những tác phẩm của J.Hyppolite và Erick
Weil, và thuyết Bergson vẫn còn được truyền tụng nơi những đồ
đệ như Maurice Pradines, Jacques Chevalier và qua những sách
giáo khoa của những tác giả tôn sùng Bergson như P.Fouquié.
Hơn nữa, chúng ta còn phải kể đến học thuyết Thánh Thomas vì
thuyết này vẫn giữ vững chủ quyền nơi các học viện công giáo,
và có những triết gia tên tuổi như Jacques Maritain và Etienne
Gilson làm đại diện.
Giáo sư Picon cũng một nhận định như Breton. Đối với ông,
triết học hiện đại là triết học hiện sinh; trong chữ hiện sinh này,
Picon gồm cả triết hiện sinh và triết mác-xít.
“Người ta không còn tranh luận về thuyết duy trí hay thuyết
trực giác nữa, nhưng người ta đã nêu lên những vấn đề quan
trọng và sâu xa hơn: Vấn đề thân phận con người và vấn đề
hướng đi của lịch sử. Tất cả triết hiện đại đều là triết hiện sinh,
theo nghĩa triết học không còn tự vấn về tri thức con người nữa,
nhưng chỉ tự vấn về ý nghĩa của cuộc sống. Ba thuyết hiện đang
chạm trán nhau là: thuyết nhân vị công giáo, thuyết hiện sinh vô
thần và thuyết nhân bản mác-xít. Tự năm 1945, do tiếng nói của
Merleau-Ponty, của Sartre và của Simone de Beauvoir, xem ra
thuyết hiện sinh đã trở thành thuyết trỗi nhất”.
Picon đã mạnh bạo quả quyết “tất cả triết hiện đại là hiện sinh
(Toute philosophie contemporaine est existentielle). Những ai
không theo sát bước đi của các trào lưu tư tưởng không khỏi nghĩ
rằng ông nói quá; họ tự hỏi: Vậy sao ở các đại học Pháp vẫn dạy
Descartes, Kant, Hégel, Bergson v.v...? Thì chúng tôi xin thưa