và hiện sinh của con người. Triết Comte đồng hóa con người với
con vật và cây cỏ: Nếu con người chịu quyền những định luật của
khoa học thực nghiệm, thì làm gì có tự do và làm gì còn nhân vị?
Chính Kierkegaard dạy ta biết: Khoa học thực nghiệm có giá trị
đích thực, nhưng chỉ có giá trị trong lãnh vực của nó, tức lãnh
vực những sự vật vô linh mà thôi; khoa học phải dừng lại ở đó;
khoa học không có quyền nhận xét chi về con người nhân vị, con
người linh ư vạn vật; nếu khoa học làm việc đó, tức đã đi quá giới
hạn của nó, và như vậy nó chỉ có thể quyết đoán liều lĩnh và sai
lầm. Tâm linh con người, lãnh vực hiện sinh của nhân vị là khu
vực nghiên cứu của triết gia: Người phụ trách mới thì phương
pháp cũng mới, cho nên phương pháp triết học không còn là
phương pháp của khoa học thực nghiệm nữa, nhưng là một
phương pháp khác hẳn. Đối tượng của khoa học là sự vật, mà sự
vật thì tĩnh cho cho nên khách thể tính hầu như tuyệt đối
(objectivité): Phương pháp của khoa học vì thế xây trên công
thức và đo lường. Trái lại, chủ thể hiện sinh là nhân vị chủ động
và tự do, đã thế lấy chi làm thước đo chắc chắn? Cho nên
phương pháp triết học dựa trên những suy tư không ngừng, hòng
giúp con người nhận thức những giá trị tinh thần của cảnh sống
mỗi ngày và hướng dẫn con người trên hướng đi của lịch sử.
Tóm lại, với Kierkegaard và phong trào hiện sinh, triết học đã
làm con người tỉnh giấc mơ duy lý và khoa học: Từ nay con
người nhận định rõ ràng ba độ cao của tri thức: Khoa học thực
nghiệm (mà đối tượng là vũ trụ vật lý), triết học (mà đối tượng là
hiện sinh tức sinh hoạt tinh thần) và thần học (mà đối tượng là cõi
siêu việt, là Thượng đế). Đúng như Jaspers thường nói: Chỗ thất
bại của khoa học thực nghiệm là chỗ bắt đầu của khoa triết học,
và giới hạn chấm hết của triết học là chính cương giới thuộc lãnh
vực siêu việt.