“ông mục sư nhỏ”. Ngay từ hồi đó, Nietzsche đã tỏ ra ham mê âm
nhạc và có khiếu âm nhạc; ông đã soạn nhiều bài thơ và nhiều
bản nhạc hoặc để ca tụng Thiên chúa, hoặc để ca tụng tổ tiên
ông, những “người Ba Lan hùng tráng” (Vì gia đình ông gốc Ba
Lan). Năm 1864, được hai mươi tuổi, ông ghi tên theo học ngành
ngữ học tại đại học Bonn. Chính trong những năm ở đại học, ông
dần dần lìa xa tôn giáo; và ông càng thực tình muốn trở lại tin
như cha mẹ và anh em ông, thì ông càng thấy không thể tin vào
đạo Tin Lành được nữa. Năm sau, tức 1865, ông bỏ đại học
Bonn để sang học ở đại học Leipzig cho đến năm 1869. Chính
trong thời kỳ này, Nietzsche khám phá ra và lập tức đâm say mê
Schopenhauer. Sự gặp gỡ này xảy ra như một biến cố giật gân:
“Tinh thần triết học đã cùng với Schopenhauer tràn vào tâm hồn
Nietzsche như một trận bão táp lay chuyển tất cả con người ông”.
Trước đó Nietzsche đã thích đọc Goethe, nhà thơ vĩ đại, có
những vần thơ mạnh như hồng thủy và say đắm như mối tình
đầu. Đối với Goethe, tư tưởng chỉ là cái chi tùy phụ, đến sau
hành động. Nietzsche say mê Goethe và coi ông là người đã thấu
hiểu những giá trị đích thực của hiện sinh, giữa hai tâm hồn có
ngay mối thông cảm sâu xa: “Giữa hai tâm hồn có sự giống nhau
rất sâu xa: Cả hai cùng tin tưởng rằng tất cả những hình thái của
tư tưởng đều có chung một nguồn gốc và nguồn gốc đó là sự
sống. Cho nên cần phải ngụp lặn vào cho tới nguồn mạch của sự
sống để nhờ những phút say đắm đó, con người cỏ thể nắm
những sinh lực còn nguyên tuyền như mầm cây vừa được nứt
mộng”. Tóm lại Goethe là lý tưởng con người sống, con người có
thể vươn lên tới hiện sinh đối với Nietzsche. Goethe đã dạy cho
Nietzsche hiểu rằng: Không nên đề cao tư tưởng đến nỗi hụt mất
cuộc đời như bọn môn sinh Hégel. Chỉ cuộc sống là có giá trị đích
thực.