TỔNG KẾT
Ngoảnh nhìn lại những trình bày về triết hiện sinh trên đây
chúng ta có thể đưa ra hai nhận xét tổng quát này:
1) Phong trào hiện sinh là một phong trào rộng lớn, gồm nhiều
khuynh hướng khác nhau, đôi khi đối lập nhau, nên chúng ta
không có quyền “vơ đũa cả nắm” để khen hay chê triết hiện sinh.
Cũng là triết hiện sinh, nhưng triết của Sartre chẳng hạn còn xa
triết của Jaspers hơn là xa triết Hégel về nhân sinh quan và vũ trụ
quan. Thực kỳ khôi, nhưng kỳ khôi mà thực như vậy, Sartre tự
xưng là hiện sinh, và ông còn luôn luôn chỉ trích Hégel, nhưng
thực sự thì ông lại có nhiều điểm gần Hégel hơn là gần Jaspers
và những triết gia hiện sinh khác. Rồi giữa những triết gia hiện
sinh cùng một khuynh hướng như Jaspers và Marcel, những
điểm dị đồng cũng không phải ít: Chẳng hạn quan niệm của hai
ông về siêu và cảm thông. Siêu việt của jaspers là một cái chi gắn
liền với hiện sinh; ông thường gọi siêu việt là một trong hai thông
lộ (avenue) của hiện sinh (thông lộ kia là tha nhân): Vì quan niệm
như gắn liền với hiện sinh, đôi khi Jaspers làm ta tưởng như ông
không phân biệt đủ giữa nhân giới và thần giới, giữa con người
và Thượng đế. Một ít triết gia, như Micae Sciacca đã không ngần
ngại gọi siêu việt của Jaspers là một thứ siêu việt nội tại
(transcendance immanente). Người ta có lý để phê bình Jaspers
như vậy, vì nếu siêu việt gắn liền với hiện sinh, thì quả thực siêu
việt đó không thực sự siêu việt nữa, và khi đó người ta sẽ thấy tự
nhiên con người có thể vươn tới Thượng đế mà không cần một
tôn giáo nào hết. Nói cách khác, Jaspers làm người ta có thể lầm
tưởng Siêu Việt không vượt xa trên khả năng con người. Trái lại,
Marcel đã nhấn mạnh về tính chất siêu việt của Thượng đế và về