1.- Tất cả các trực giác của ta chỉ là những biểu tượng của các hiện
tượng: nói thế có nghĩa là ta chỉ tri thức vạn vật theo như chúng xuất hiện
trước cảm giác ta thôi, còn như bản tính tự thân của chúng là gì ta không
biết. Không gian và thời gian là những mô thức thuần túy của tri giác ta,
còn cảm giác thường nghiệm là chất liệu nói chung. Những mô thức thì tiên
nghiệm, còn cảm giác thì hậu nghiệm - Mặc dầu cảm giác ta tiến đến mức
nào đi nữa, ta vẫn không thể nào biết được bản tính vạn vật, vì ta không có
cách nào tri thức được các vật tự thân
.
2.- Ý thể tính của giác quan bên ngoài cũng như của giác quan bên trong
(tức không gian và thời gian) bắt chúng ta chú ý điều này: trực giác của ta
chỉ bao hàm những tương quan mà thôi, tương quan về những thành phần
các vị trí của mỗi trực giác, tương quan biến chuyển từ nơi này qua nơi
khác v.v... Như vậy các tương quan này không cho ta biết gì về tính chất
tuyệt đối của sự vật (cũng gọi là tính chất tự thân của chúng). “Tất cả những
gì được biểu tượng nơi giác quan đều chỉ là hiện tượng-, một là phải nhận
rằng không có giác quan bên trong nào hết, hai là phải nhận rằng chủ thể,
tức đối tượng của giác quan bên trong, chỉ được giác quan đó biểu tượng
như một hiện tượng thôi, chứ không như trường hợp chủ thể có trực giác trí
tuệ. Ở đây, tất cả nỗi khó khăn của ta là tìm xem chủ thể tự tri thức mình thế
nào. Chủ thể không tự trực giác mình như một biểu tượng trực tiếp và tự
phát, nhưng chỉ nhờ chỗ nó bị kích thích bên trong mà thôi: như vậy chủ thể
chỉ tự tri thức theo cách nó tự xuất hiện ra cho nó, chứ không tự biết mình
theo bản thể của mình”
- Kant có ý nói ta không thể tự biết mình bằng
cách nhìn thẳng vào tâm linh ta, vì ta không có trực giác trí tuệ (một thứ
trực giác cho phép nhìn thấy các thực thể tinh thần, theo như chủ trương của
triết học cổ truyền). Ta chỉ có trực giác cảm giác, nghĩa là chỉ nhìn thấy
những thực thể khả giác thôi. Vì ta chỉ có trực giác giác quan, nên ta không
thể “thấy” được tâm linh ta, nhưng chỉ tự biết qua những hành vi sinh hoạt
tại thế của ta. Sau này ta sẽ thấy Kant chứng minh “con người chỉ có ý thức
về mình, chứ không có tri thức về tâm linh mình”. Ý thức về mình thì khác,
và tri thức về mình lại khác: ta có ý thức ta đã làm việc lành hay việc dữ,