thái trực giác hướng ngoại, còn thời gian là hình thái trực giác nội tâm,
đồng thời là điều kiện cho mọi trực giác thường nghiệm nói chung. Nhân đó
ông dành cho thời gian một địa vị quan trọng hơn không gian nhiều.
1. - Thời gian không phải là một quan niệm thường nghiệm do kinh
nghiệm dạy ta. Thực vậy, nếu không có thời gian làm nền cho chúng thì làm
sao ta có thể tri giác được những sự kiện như trước sau, đồng thời, tiếp tục ?
Thời gian, tức cảm năng của ta, chính là tấm vải mà trên đó được dệt những
biến chuyển ta nhận thấy nơi vạn vật.
2. - Thời gian là biểu tượng tất yếu, làm nền tảng cho tất cả mọi tri giác
của ta. Người ta có thể giảm trừ hết các hiện tượng, nhưng không thể giảm
trừ thời gian, nghĩa là ta có thể nghĩ không có biến cố nào hết, nhưng không
thể nghĩ rằng không có thời gian.
3. - Tính chất tất yếu tiên thiên này còn là nền tảng của những công lý
liên hệ đến các tương quan của thời gian nói chung: thời gian chỉ có một
chiều. Cho nên các thời gian khác nhau thì không được coi là đồng nhau,
nhưng tiếp tục nhau. Đó là một điều có giá trị nhất thiết, vì bản chất của
thời gian là không có sự song song như nơi không gian: các thời gian không
tiếp tục nhau, đều chỉ là một thời gian duy nhất. “Những thời gian khác
nhau thì không đồng thời nhau, nhưng tiếp tục, còn các không gian khác
nhau thì không bao giờ tiếp tục nhau nhưng là đồng thời nhau”.
Thời gian không phải là một quan niệm do suy luận làm nên, nhưng là
một mô thức thuần túy của trực giác ta. Ta trực giác được sự vật cũng là
nhờ những biểu tượng của ta sẵn có về thời gian. Chẳng hạn câu “những
thời gian khác nhau không thể đồng thời nhau” không thể do một quan
niệm tổng quát nào, nhưng nó trực tiếp nằm sẵn trong biểu tượng của ta về
thời gian.
4.- Vô cùng tính của thời gian chỉ có nghĩa là những mảnh thời gian đều
là những giới hạn chia cắt một thời gian duy nhất: như vậy biểu tượng
nguyên thủy của ta về thời gian là một biểu tượng vô cùng. Đây là một biểu
tượng được ban cho ta trong một trực giác trực tiếp và nguyên thủy, và nó