riêng triết lý siêu nghiệm (philosophie transcendantale) của ông có khả năng
coi tất cả các vấn đề đặt ra cho lý trí là có thể giải quyết được, và không nên
vịn cớ sự dốt nát của loài người hay lấy lẽ vấn đề quá sâu thẳm để tránh đưa
ra một giải đáp đầy đủ: quan niệm của lý trí đã bắt ta đặt vấn đề, thì cũng
quan niệm đó phải cho ta đủ khả năng để giải quyết vấn đề, bởi vì đối
tượng của quan niệm nằm ngay trong quan niệm”
. Đặc tính của các ý
tưởng siêu nghiệm về vũ trụ là chúng làm ta coi đối tượng của chúng là
những dữ kiện (trong khi thực sự không phải là những dữ kiện, nhưng chỉ là
những ý tưởng suông). Ta làm thế vì ta mắc vào hai ngộ nhận: ngộ nhận thứ
nhất là ta thường coi vạn vật trong thiên nhiên như những vật tự thân, trong
khi chúng chỉ là những hiện tượng cho ta; - ngộ nhận thứ hai cũng do ngộ
nhận thứ nhất trên đây mà ra: nó làm ta coi không gian (tức mô thức của vũ
trụ) như một cái gì tự thân và tri thức được.
Vấn đề không dễ hiểu tí nào. Bởi vậy Kant giải nghĩa điều này nhiều lần
khác nhau trong 9 Tiết liên tiếp của cuốn Phê bình lý trí thuần túy. Sau đây
là một đoạn tương đối tổng quát và rõ ràng hơn cả: “Chỉ tri giác và kinh
nghiệm (tức tiến triển thường nghiệm từ tri giác này tới tri giác kia) là dữ
kiện thực sự của ta. Còn những hiện tượng chỉ được coi là thực tại vì ta tri
giác chúng. Khả năng trực giác cảm giác của ta chỉ là khả năng lãnh nhận,
nhờ đó ta có thể bị kích thích một cách nào đó bởi những biểu tượng: những
biểu tượng này được gọi là những đối tượng của tri thức, vì chúng được liên
kết và xác định chiếu theo những định luật về nhất thể tính của kinh
nghiệm, trong tương quan của chúng với trực giác thuần túy của ta (tức
không gian và thời gian). Ta không thể biết gì về những thứ nguyên nhân
bất khả giác của các biểu tượng ; vậy ta không thể trực giác những nguyên
nhân đó và không thể coi đó là những đối tượng. Tuy nhiên ta có thể coi
nguyên nhân khả niệm của những biểu tượng nói chung như thế là một đối
tượng siêu nghiệm (objet transcendantal), để có cái gì thích ứng với cảm
năng xét như cảm năng là một khả năng lãnh thụ”
Ta vừa nghe Kant nói đến loại đối tượng siêu nghiệm, và theo ông thì đó
là một cái gì tương ứng với quan niệm nói chung và cảm giác tính nói