Muốn hiểu tư tưởng của Kant, trong Tiết này, cần nhớ ông đã viết những
trang này với chủ ý nào. Mũi dùi của ông chĩa vào nhóm thần học duy lý
của Wolf: đó là một thứ Thượng Đế học (Théodicée) bắt nguồn từ những
trang sách của Platon và Aristote, và Thượng Đế của họ được gọi là
“Nguyên lý cao nhất”, “Đệ nhất Động Cơ” V.V.. Pascal đã mỉa mai thứ
Thượng Đế học này khi viết rằng Thượng Đế mà ta thờ không phải là
Thượng Đế của các triết gia, nhưng là Thượng Đế của Thánh Kinh. Sau này
Kierkegaard còn nói mạnh hơn khi quyết rằng Thượng Đế của triết học
Aristote chỉ là một nguyên tắc, một nguyên lý, và nhất định chả có ai thờ
những nguyên lý trừu tượng như vậy. Nhưng đó lại là Thượng Đế mà khoa
Thần học duy lý chủ trương. Kant chỉ nhắm phê bình thứ thần học này.
Chủ ý của Kant khi viết ba bộ Phê bình là xây dựng một khoa siêu hình
học trên nền tảng đích thực của nó, chứ không dựa trên những nền tảng của
Toán học hay Vật lý học, vì phương pháp thực nghiệm chỉ có công dụng
trong lãnh vực thực nghiệm, không giúp gì trong lãnh vực siêu hình. Nếu
ông đả phá khoa thần học duy lý, thì không phải ông vô thần, nhưng chỉ vì
khoa này không dẫn con người tới Thượng Đế đích thực, mà chỉ dẫn tới
những quan điểm về nguyên nhân vũ trụ, một thứ nguyên nhân khá vật lý
được Aristote mệnh danh là Đệ nhất Động Cơ. Hơn nữa, khoa học thực
nghiệm dựa vào những biến chuyển của vật thể vật lý thuộc lãnh vực luật
nhân quả tất định, thì làm sao khoa đó có thể nhận định đứng đắn về sinh
hoạt đạo đức của con người là một sinh hoạt tự do và siêu hình? Cho nên,
vẫn theo Kant, ta chỉ có thể gặp và “chứng minh” Thượng Đế khi nghiên
cứu về “lý trí thực hành” của con người, tức là lý trí chi phối sinh hoạt nhân
vị và tự do của con người. Đừng hiểu “lý trí thực hành” như là thứ lý trí thi
hành những gì mà lý trí thuần túy, tức lý trí lý thuyết đã đề ra; cũng đừng
hiểu lý trí thực hành như một thứ kém cỏi, không bằng lý trí lý thuyết. Nghĩ
thế là mắc vào một sai lầm khổng lồ: như chúng tôi sẽ có dịp bàn thêm nơi
Phần hai cuốn sách này, khi bàn về sinh hoạt đạo đức, lý trí thực hành là lý
trí con người dùng để tự biết mình và định đoạt hành vi đạo đức của mình,
cũng như con người dùng lý trí thuần túy để tri thức vạn vật và sinh hoạt