thể quy chúng về một nguyên tắc được, rồi những lý do như thế họa may
mới đưa ta tới điều thiện, còn thường là đưa tới điều ác”
Tại sao Kant tỏ ra nghiêm khắc với những lý do lây ra từ sinh hoạt
thường nghiệm như thế ? Thưa vì những lý do này luôn đậm mùi tự ái và tự
kỷ. Điều này trở nên nguy hiểm đặc biệt khi người ta pha trộn những phán
đoán thuần túy đạo đức của lý trí với những tình cảm của sinh hoạt thường
nghiệm, bởi vì người ta sẽ dễ dàng tự lừa dối mình và che đậy những dự
tính xấu xa dưới cái vỏ đạo đức. Thà rằng tuyên bố thẳng thắn lấy hạnh
phúc và khoái lạc làm tiêu chuẩn như Epicure. Kant cũng ngụ ý đưa ra một
lý do nữa: nếu cùng lý trí, ta thêm vào đó những lý do lấy ra từ trong sinh
hoạt, ta sẽ rất khó quy các lý do đó về cùng một nguyên tắc ; mà không quy
về một nguyên tắc duy nhất, thì không còn có quyết định tuyệt đối, và con
người bị rơi vào tình trạng lưỡng lự, rồi có thể dần dà bị lôi vào nẻo xấu.
Muốn ngay chính, ta không được tự xét cho mình, đúng như danh ngôn
người xưa: “Không ai được làm quan tòa xét việc mình” (Nemo judex in
propria causa). Bởi vậy những phán đoán của ta chỉ thực sự và chắc chắn
ngay chính khi ta nhìn vào hình thức của quy luật, một quy luật không nội
dung cụ thể, áp dụng cho trường hợp của tôi và trường hợp của bất cứ ai,
thân hay thù.
Như chúng ta sẽ thấy sau này, Kant quan niệm lý trí thuần túy thực hành
là tước hiệu làm người của ta: chính lý trí đạo đức này đặt chúng ta lên trên
toàn thể vạn vật trong thiên nhiên cùng với định luật nhân quả tất định của
chúng. Trong ý đó, ngay bây giờ ông đã viết: “Chúng ta phải kết luận rằng
tất cả các quan niệm đạo đức đều thuần túy tiên thiên, bắt nguồn nơi lý trí,
dầu là lý trí bình dân hay lý trí của suy luận là thứ vươn lên cao hơn. Ta
không được rút các quan niệm đó từ những tri thức thường nghiệm. Ta
không được pha trộn những yếu tố thường nghiệm vào chúng vì sẽ làm
giảm mất ảnh hưởng thuần túy và giá trị tuyệt đối của các hành vi. Bởi vậy,
không giống như nơi lãnh vực của triết lý lý thuyết là lãnh vực cho phép và
còn đòi hỏi các nguyên tắc phải tùy thuộc vào bản tính đặc biệt của con
người, còn nơi đây thì các quy lực đạo đức phải được coi là có giá trị cho