mấy trang này bằng câu: “Trong sự liên hiệp của lý trí thuần túy lý thuyết
với lý trí thuần túy thực hành để làm công việc tri thức, địa vị cao nhất
thuộc về lý trí thực hành và sự liên hiệp này được coi là nhất thiết, chứ
không tùy tiện và bất tất”
.
Tất cả các chuẩn bị trên đây nhằm mục đích bảo ta rằng tuy đối tượng
của các mệnh đề của lý trí thực hành liên can đến linh hồn và Thượng Đế
không phải là những gì ta tri thức được, nhưng không vì thế mà kém bề xác
định và chắc chắn, trái lại, như ta sẽ thấy dưới đây, nó còn chắc chắn hơn cả
những tri thức lý thuyết. Kant gọi đó là những định đề.
Phải hiểu chữ định đề thế nào cho đúng với tư tưởng của Kant ? Trước
hết ông nói “Những định đề này phát xuất từ nguyên tắc căn bản của đạo
đức, mà căn bản này không phải là một định đề, nhưng là một qui luật quyết
định cho ý chí”
. Như thế nghĩa là các định đề này phát xuất từ một
kinh nghiệm siêu hình của ta, tức kinh nghiệm mỗi người có về quy luật
đạo đức và bản chất tự do của mình. Chính vì ta biết mình là một hữu thể tự
do và có sinh hoạt tự thân nơi lãnh vực đạo đức, nên ta thấy cần phải chấp
nhận linh hồn bất tử và sự hiện hữu của Thượng Đế: không có bất tử tính
của linh hồn và không có Thượng Đế, thì không thể giải quyết được vấn đề
sinh hoạt đạo đức, cho nên nếu không có Thượng Đế và linh hồn bất tử thì
cũng không thể chấp nhận con người là hữu thể tự do. Đó là ý nghĩa chữ
định đề ở đây! Định đề (postulat) là cái nhất quyết phải có, nhất định phải
nhận. Bởi vậy khi thấy Kant giải thích “định đề không phải là những giáo
điều lý thuyết, nhưng là những giả thiết (hypothèses) trong lãnh vực thực
hành”, có người đã vội la lên rằng: như vậy Kant không nhận có linh hồn và
Thượng Đế, nhưng chỉ coi đó là những giả thiết. Họ đã hiểu danh từ của
Kant theo nghĩa giả thiết thường gặp trong sách vở. Họ không hiểu Kant, và
không chịu đọc tiếp cho hết câu của ông, vì liền theo đó ông viết: “Những
định đề không nới rộng tri thức lý thuyết của ta, nhưng chúng mang lại cho
những ý tưởng của lý trí thuần túy (linh hồn và Thượng Đế) một tính chất
thực tại khách quan”
. Tóm lại, đối với Kant, đối tượng những định đề
của lý trí thực hành là những thực tại khách quan, những thực tại đích thực.