Tất cả có 3 định đề liên can đến: tính chất bất tử của linh hồn, tính chất tự
do của con người, và sự hiện hữu của Thượng Đế. Kant chỉ bàn luận về
định đề thứ nhất và thứ ba. Phải chăng ông coi tự do của con người là một
“sự kiện của lý trí”, tức một kinh nghiệm siêu hình rồi, nên không liệt nó
vào số những định đề ? Không phải thế. Mặc dầu tự do là một kinh nghiệm
siêu hình của ta, nhưng kinh nghiệm này chỉ cho ta biết mình tự do, chứ
không cho biết bản chất tự do là gì: ta chỉ biết mình tự do qua những quyết
định cụ thể thôi, nhưng đó không phải là phương tiện tự thân của tự do. Vậy
Kant không bàn đến chỉ vì không cần chứng minh có tự do, trong khi vẫn
cần chứng minh có bất tử của linh hồn và có Thượng Đế.
A. CÓ LINH HỒN BẤT TỬ.
Linh hồn có bất tử và có tính chất nhân vị không, đó là vấn đề đã được
nêu lên trong cuốn Phê bình lý trí thuần túy, và chúng ta biết lý trí lý thuyết
(tức lý trí có nhiệm vụ xác định về những đối tượng của thực nghiệm giác
quan) không thể giải quyết: nó không có quyền nói có mà cũng không có
quyền nói không. Nay với lý trí thực hành, tức lý trí có chức vụ xác định
những hành vi nhân linh của con người, ta thấy Kant quả quyết con người
biết chắc linh hồn bất tử. Biết chắc đây không phải là biết theo kiểu tôi thấy
quyển sách trước mắt, nhưng biết theo kiểu tôi biết có ông nội tôi mặc dầu
tôi không bao giờ thấy. Vậy biết chắc đây là cái chắc của lý trí.
Để đạt tới linh hồn bất tử, Kant đã luận lý như sau: “Thực hiện sự thiện
toàn hảo ở thế gian này là mục tiêu tất yếu của một ý chí hành động theo
qui luật đạo đức. Nhưng điều kiện để thực hiện sự thiện toàn hảo là các ý
hướng của ý chí phải hoàn toàn thích ứng với qui luật đạo đức: điều này
phải có thể làm được như đối tượng của hành động, vì nó liên hệ đến hành
động. Thế nhưng sự ý chí hoàn toàn thích ứng với qui luật đạo đức lại là sự
thánh thiện, một sự thiện hảo mà không một hữu thể có lý trí nào của thế
giới khả giác có thể thực hiện ở một lúc trong đời mình. Bởi vì sự thánh
thiện này được coi là nhất thiết phải có trong thực hành, cho nên ta chỉ có
thể gặp nó trong một cuộc tiến triển tới vô cùng để thực hiện sự thích ứng
hoàn toàn kia. Theo những nguyên tắc của lý trí thuần túy thực hành, thì