tức ý thức đạo đức ghi sâu trong lòng mọi người một cách tiên thiên. Tiên
thiên đây không hoàn toàn có nghĩa là bẩm sinh, vì Kant không chủ trương
một thứ bẩm sinh nào hết. Tiên thiên của Kant có nghĩa là: đã là người thì ai
cũng có khả năng nhận định về luận lý một cách đúng, nếu là phán đoán
theo lý trí và không theo sự xúi giục của tâm tình. Và bây giờ chúng ta mới
thấy ý nghĩa sâu xa câu nói của Kant trên kia, “ở trần gian này, và cả ở
ngoài trần gian, không gì đáng gọi là thiện thực sự, trừ thiện chí". Như vậy,
với “sự kiện của lý trí” tức kinh nghiệm ta có về quy luật tuyệt đối của ý
thức đạo đức trong lòng mỗi người, chúng ta có một kinh nghiệm về tuyệt
đối rồi đó, tức kinh nghiệm về những gì không bị điều kiện bởi những hoàn
cảnh. Chú giải về sự kiện lý trí, Alquié viết một câu ý vị: “Như tôi đã nhắc
nhiều lần, từ ngữ “sự kiện lý trí” không ám chỉ một sự kiện thường nghiệm
nào hết, nhưng diễn tả sự hiện diện thực sự của quy luật đạo đức ở trong
ta”
TIẾT II: KANT PHÊ BÌNH NHỮNG HỌC
THUYẾT ĐẠO ĐỨC XÂY TRÊN THƯỜNG
NGHIỆM
Công việc phê bình này Kant đã thể hiện cả nơi cuốn Những nền tảng
khoa siêu hình học về luân thường và nơi cuốn Phê bình lý trí thực hành.
Mục đích của ông là làm sáng tỏ lập trường đạo đức thuần túy của ông, một
nền đạo đức xây dựng hoàn toàn trên lý trí như ta vừa thấy ông xướng xuất
trên đây.
Kant lên án những học thuyết đạo đức thường nghiệm như sau: “Nếu ngó
vào những khảo luận về đạo đức được viết ra theo thị hiếu của quần chúng,
ta sẽ thấy khi thì người ta nói đến cứu cánh riêng biệt của bản tính con
người, khi lại bàn đến quan niệm bản tính lý trí nói chung, rồi họ đề cập đến
đủ thứ, nào là sự trọn hảo, nào là hạnh phúc, rồi tâm tình đạo đức, sự kính
sợ Thượng Đế, một tí cái này một tí cái kia, thực là một sự pha trộn kỳ
khôi”
. Nếu con người là con vật duy nhất có lý trí, thì sinh hoạt đạo
đức, tức sinh hoạt đặc biệt của con người, phải được xác định hoàn toàn do