quy luật không thuộc loại những định luật thiên nhiên của thế giới khả giác”
.
Để nâng đỡ con người trong sự yếu đuối hằng ngày khi thấy mình quyết
một đàng làm một nẻo, Kant đưa ra ý tưởng về “một sự tiến triển vô hạn”:
hôm nay ta thấy mình chưa làm được như ý chí thuần túy truyền lệnh, bởi
vì ta đã nghe theo tự ái và tự lợi phần nào, nhưng ta nên tự hối để rồi “cải
quá tự tân”. Hơn nữa lời nói của Kant làm ta luôn tưởng đến những lời ôn
tồn của đức Khổng: “Minh minh đức” và “Nhật tân, hựu nhật tân”, ta phải
làm cho cái đức (tức cái ý chí thuần túy) ngày càng trong sáng bằng cách
mỗi ngày tự đổi mới thêm mãi. Kant viết: “Sự thánh thiện của ý chí là một
ý tưởng thực hành, và ta phải coi đó là một khuôn mẫu. Các hữu thể hữu
hạn và có lý trí chỉ có thể tới gần khuôn mẫu này hơn mãi. Tin rằng mình có
thể tiến thêm mãi trong bước đường đi lên: đó là điểm cao nhất mà lý trí
thực hành hữu hạn (tức lý trí con người) có thể đạt tới: và đó là nhân
đức”
. Đức Khổng đã nói chỉ có thể Trời là thành, là toàn thiện, còn
người ta chỉ có thể nhắm chỗ thành mà tiến lên: “Thành giả, Thiên chi đạo
giả, Thành chi giả, nhân chi đạo đã”
.
TIẾT II: TỰ DO VÀ TỰ CHỦ
“Sự tự trị (autonomie) của ý chí là nguyên tắc duy nhất của tất cả các quy
luật đạo đức và của tất cả các bổn phận tương ứng với các quy luật đó”
.
Sao Kant dám coi sự tự trị của ý chí, tức sự hoàn toàn tự chủ của con
người, là căn bản mọi tư tưởng đạo đức? Vì ông coi trọng con người: ông
đã đặt con người vào đúng vị trí của nó trong vũ trụ, và chỗ ngồi này vượt
lên trên vạn vật và lên trên tất cả những định luật thiên nhiên chi phối vạn
vật. Như vậy danh từ tự trị cũng chỉ nói lên những gì đã hàm chứa trong
danh từ tự do: nhưng tự do có một nội dung quá rộng rãi, gần như không
xác định, còn danh từ tự trị cho ta một quan niệm rõ ràng về tự do, đó là sự
ta không bị chi phối bởi những quyền lực bên ngoài mỗi khi ta hành động.
Bàn đến sự tự trị của ý chí, Kant đi sâu vào bản chất của hành vi đạo đức là
hành vi được quyết định theo hình thức của quy luật đạo đức thôi, chứ