CHƯƠNG III Ý NGHĨA THUYẾT ĐẠO ĐỨC
HỌC CỦA KANT
Không gì sai lầm bằng nghĩ rằng học thuyết của Kant chỉ nhắm giải thích
mà không nhắm thực hành. Nhìn vào bản chất cao siêu của quy luật đạo
đức, có người đã vội cho rằng Kant thiếu óc thực hành. Nghĩ thế là quên
những gì chúng ta đã công nhận với ông nơi hai Chương I và II trên đây.
Chúng ta không phủ nhận những khó khăn đôi khi lớn lao của sinh hoạt đạo
đức, nhưng chúng ta cũng phải nhận rằng nếu không vậy thì con người sẽ
hơn gì con vật, và sinh hoạt đạo đức chỉ là một câu chuyện kể cho vui. Kant
không nghĩ thế, và mấy trang liền trên đây về tự trị và bổn phận chứng
minh điều đó. Con người là một sinh hoạt tự do, nhưng sinh hoạt này lại
nhất thiết diễn ra nơi thế giới khả giác. Và tự do của con người không phải
là một quan niệm suông, nhưng là một thực tại khách quan, và nó chỉ là
thực tại khi ta thực sự thi hành những quyết định của ta. Đúng như Deleuze
viết: “Bởi vậy quy luật đạo đức sẽ không là gì hết, nếu nó không được tiếp
theo bằng những hành động cụ thể; và tự do cũng sẽ là không, nếu nó
không kèm theo những hậu quả khả giác”
. Như vậy Kant giúp ta nhận
ra con đường làm người. Ông giúp ta biết kính trọng những mệnh lệnh của
quy luật đạo đức, tức quy luật làm người. Nhưng ông không thể làm gì giúp
ta, nếu ta không muốn làm người. Thượng Đế cũng không thể làm gì hơn,
vì Ngài đã sáng tạo con người tự do.
Tuy nhiên, ở đây cũng như trong các lãnh vực hoạt động khác, “biết là có
thể làm”, cho nên Kant dạy cho ta biết cách làm người cũng là một công ơn
ông để lại cho nhân loại. Ông không ngây thơ nghĩ rằng con người có thể
một sám một chiều đạt được mức trọn hảo đúng như ý thức đạo đức vạch ra
cho ta, trái lại ông chủ trương rằng công việc đó chỉ có thể thực hiện qua
một cuộc tiến triển mãi đến vô cùng. Và sự tiến triển vô hạn này giả thiết
linh hồn có bản chất bất tử và bản chất nhân vị, đồng thời cũng giả thiết
phải có Thượng Đế mà lý trí nhận là tác giả của hai thế giới khả niệm và
khả giác. Đó là vấn đề được ông bàn luận nơi quyển II cuốn Phê bình lý trí