loài người. Nhưng con người đây là vật tự thân: con người như vậy là vật
duy nhất trong thiên nhiên có một tài năng siêu khả giác (tức tự do), và có
tri thức về nguyên lý nhân quả cùng là đối tượng của nguyên lý này, mà con
người có thể coi như cứu cánh tối hậu cho mình (sự thiện tối hảo trong trần
gian)”
. Con người tự thân là con người của sinh hoạt đạo đức. Kant đã
chứng tỏ điều này trong cuốn Phê bình lý trí thực hành. Vậy chỉ con người
tự thân, con người của sinh hoạt đạo đức, mới xứng danh là cứu cánh tối
hậu của thiên nhiên: mục tiêu con người đạo đức không hướng tới hạnh
phúc, nhưng tới sự thiện toàn hảo. Con người đạo đức không sinh hoạt theo
những châm ngôn hạnh phúc, nhưng luôn sống theo những mệnh lệnh tuyệt
đối của qui luật đạo đức: con người đạo đức sẽ đạt tới mức toàn thiện. Sự
toàn thiện này sẽ có kèm theo một thứ hạnh phúc tiêu diêu, giống như một
chân phúc (béatitude)
.
Như thế ta gặp lại chỗ tuyệt đỉnh của hệ thống triết học Kant, và cũng là
mục tiêu cao nhất của con người: sự toàn thiện cùng với hạnh phúc tiêu
diêu nó mang lại cho con người, khi con người sống đúng bản chất đạo đức
của mình. Và như vậy, cuốn Phế bình khả năng phán đoán đã đoạt được
mục tiêu mà Kant nêu lên ở đầu sách: làm chiếc cầu đưa con người qua vực
thẳm để tiến từ thế giới khả giác sang thế giới khả niệm, tức thế giới của
sinh hoạt đạo đức. Cuốn Phê bình khả năng phán đoán có thể chấm hết ở
đây. Nhưng vì Kant là con người có tôn giáo (ông theo đạo Tin Lành), và
cũng vì ông thấy tôn giáo là một hình thức sinh hoạt cần thiết của con
người, nên ông mới viết thêm mấy đoạn bàn về tương quan giữa khoa mục
đích học (téléologie) và khoa thần học (théologie). Cũng hướng đó ông đã
soạn cuốn “Tôn giáo trong phạm vị của mình lý trí”
B. MỤC ĐÍCH HỌC VÀ THẦN HỌC
Kant nói đến hai thứ thần học: thần học vật lý (théologie physique) và
thần học đạo đức (théologie morale). Thần học vật lý dựa trên khoa vật lý
để xây dựng quan niệm về Thượng Đế. Học thuyết của Aristote về Đệ nhất
Động cơ là điển hình của thần học vật lý. Theo Kant thì thần học vật lý dẫn
ta đến những quan niệm máy móc về Thượng Đế, coi ngài như Nguyên lý,