TRIẾT HỌC TÂY PHƯƠNG TỪ KHỞI THỦY ĐẾN ĐƯƠNG ĐẠI - Trang 1145

Họ quan tâm đến sự vận hành của tinh thần con người, đến việc nghiên cứu thực
chứng và di truyền những khả năng của trí tuệ, những quá trình học tập, việc
nghiên cứu những điều kiện bình thường cho sự luyện tập những khả năng của
chúng ta và nghiên cứu những nhiễu loạn và biến trạng của chúng. Thực vậy, họ
tin vào việc giáo dục những bất bình thường thân xác hay tinh thần; sự hiểu biết
về tình trạng bệnh lý, đối với họ dường như là cốt yếu cho việc hiểu tình trạng
bình thường; và trong viễn tượng này, họ đặc biệt quan tâm đến những đứa trẻ bất
thường, những người câm điếc, những bệnh nhân tâm thần, những sắc dân man
rợ.

Họ không trông mong hiểu biết con người nhờ siêu hình học, mà từ sinh lý học,
từ nhân chủng học thể lý và văn hoá (nghiên cứu những phong tục, những định
chế xã hội) - tuỳ theo những cách gọi của ngôn ngữ hiện nay - của tâm lý học, của
sử học, của những khoa học thực chứng về con người nói chung. Họ quan tâm
đến những điều kiện sinh lý trong sự vận hành những khả năng của chúng ta, đến
những tương quan giữa vật lý với tinh thần và với y học. Họ đưa cuộc nghiên cứu
về con người dưới tương quan động vật học, xã hội và di truyền học.

Bằng cách đó họ đã góp phần quyết định dầu vẫn còn ít được biết đến, vào việc
nghiên cứu ngôn ngữ, vào sự phát sinh khoa tâm bệnh học, vào khoa kinh tế
chính trị, vào khoa tâm sinh lý học, khoa nhân chủng học, sắc tộc học.

Thường thì người ta coi họ là những người duy vật. Thực tế thì cũng có nhiều nét
khiến đưa đến sự gán ghép này: sự bén rễ trí tuệ của họ trong thế kỷ XVIII và thái
độ chống giáo hội; thị hiếu về quan sát, thí nghiệm và thực chứng, sự hững hờ rõ
rệt đối với những nền tảng tối hậu và những nguyên nhân đầu tiên và sự từ chối
những nguyên nhân cứu cánh; sự hiện diện của một số lượng quan trọng những y
sĩ trong hàng ngũ của họ (Pinet, Bichat) sự hứng thú có chọn lựa của họ đối với
con người thân xác. Quan tâm ưu tiên của họ về tất cả cái gì tạo thành hạ tầng cơ
sở của hoạt động tinh thần, vai trò cốt yếu mà họ gán cho cảm tính bên ngoài và
bên trong, cũng như khuynh hướng rõ rệt của họ coi cái đơn giản có trước cái
phức tạp và muốn giải thích cái thứ nhì bởi cái thứ nhất, khuynh hướng theo
Condillac coi tư tưởng là một "cảm giác biến hình", lập trường duy cảm giác nói
chung của họ, tất cả những lý do này đã đưa đến việc gắn cái mác "duy vật"cho
những triết gia muốn làm việc để tạo nên một khoa học về con người.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.