chức năng này thuộc ngành nghề nào. Tri thức luận tương ứng với một cách thế
thiết định đặc trưng trong trường kiến thức.
Như vậy tri thức luận là một hoạt động phản tỉnh được thực hiện "sát sườn" với
khoa học. Đó là lý do tại sao thoạt đầu nó không quan tâm đến những điều kiện
bên ngoài của việc sản xuất kiến thức: những quyền lợi kinh tế và xã hội, những
sức mạnh định chế, những hệ tư tưởng tôn giáo hay chính trị. Không phải là việc
nghiên cứu tương quan của những điều kiện này với một chương trình khoa học
nào đó là không có ích lợi gì, nhưng nó thuộc về xã hội học về khoa học. Còn tri
thức luận nghiên cứu những sự kiện của khoa học, nghĩa là những gì mà các bản
văn khoa học cùng với những chùm sao hậu quả, phương pháp và khái niệm của
chúng và cả những điểm còn mù mờ, những lỗ hổng và những vấn đề còn bỏ dở
của chúng. Như Canguihem nói: "mỉa mai về tầm quan trọng gán cho các khái
niệm thì dễ hơn là hiểu được tại sao không có chúng sẽ không có khoa học". Vả
chăng, chúng ta nên nhớ lại rằng yêu cầu phân tích và phê phán các khái niệm -
thường được coi như dấu hiệu của một tinh thần triết lý, bởi lẽ ở Pháp người ta
được đánh dấu bởi sự giảng dạy của Gaston Bachelard và của Jean Cavaillès -
vẫn thường gặp chính trong lòng khoa học. Từ vật lý lượng tử đến máy điện toán,
trước tiên chính nhà bác học hay nhìn lại định nghĩa về thực tại hay của những
phương pháp đang sử dụng. Triết học không ở ngoài khoa học như nhiều người
tưởng, và người ta không thể xác định tương quan của cái này đối với cái kia từ
một lập trường xa lạ với cái này hay cả với cái kia.
Tìm kiếm không phải một lý thuyết tổng quát, mà là những cấu hình khác nhau
của khoa học, nơi một số những thời đoạn của nó và một trong những vùng của
nó, là nhận ra tính cách lịch sử của kiến thức, tính linh hoạt nơi những nguyên lý
và những quy phạm của nó, sự tiến hoá nơi những công cụ của nó, những đột
biến ngữ nghĩa nơi những khái niệm của nó. Từ đó, phát sinh mối liên hệ mật
thiết giữa tri thức luận với lịch sử khoa học. Từ Brunschvicg tới Cavaillès,
Granger hay Desanti và từ Koyré và Bachelard tới Canguihem, ở Pháp, đã tạo
thành một trường phái "tri thức luận lịch sử", nó muốn nêu lên khái niệm riêng
của mình về lịch sử khoa học. Không phải thứ lịch sử tự nhiên kiểm kê và phân
loại những sự kiện có sẵn đấy (các phát minh, các công lý, các định luật v.v…) và
những niên đại được xác chứng hay giả định để dựng nên bản đồ của một "tiến bộ
đảo ngược" (un progrès renversé), nhưng là thứ lịch sử tạo dựng đối tượng của nó