Ptolémée hoàn tất công trình của mình bằng việc nghiên cứu cách mà chư thần có
thể truyền thông những mệnh lệnh của họ cho người trần. Việc nghiên cứu những
chuyển động của thiên thể khải lộ mục đích tối hậu về tiên báo: ngữ pháp toán
học được tiếp theo bởi bốn quyển của bộ Tứ thư (Tétrabible) ở đó Ptolémée đưa
ra một lý thuyết tổng quát về ảnh hưởng của các thiên thể đối với các biến cố trên
mặt đất và của con người. Những cuộc chinh phục của Alexandre, trong khi đưa
người Hy Lạp tiếp xúc với khoa tử vi của Babylone, giúp họ vận dụng khoa tử vi
đẩu số để giải đoán vận mệnh cho từng cá nhân chứ không phải chỉ phục vụ riêng
cho các ông vua. Sự lạm dụng tính cả tin của con người này, mà ngày nay các nhà
khoa học mạnh mẽ tố cáo, vẫn yêu sách tính tôn quý của mình trong bộ Tứ thư
của Ptolémée.
Tuy vậy tổng hợp đề của Ptolémée vẫn là một lâu đài tráng lệ huy hoàng dâng
hiến cho viênh quang của khoa học cổ đại. Và cũng là lâu đài khoa học cuối cùng
của thời cổ từ thế kỷ thứ ba của Công nguyên đế quốc La Mã suy tàn dần vì
những cuộc xâm lăng của đám quân man rợ, vì thiếu nô lệ, vì cạn nguồn tài
nguyên, vì thiên tai, dịch bệnh… Sự sụp đổ xã hội đồng hành với sự sụp đổ của
văn hoá thượng cổ mà Cơ đốc giáo đã ban cho một phát ân huệ. Cơ đốc giáo loại
trừ những tôn giáo xa xưa, làm tan rã những hệ thống triết lý ngoại đạo. Thiên
văn học cổ đại bị thay thế bởi việc giảng dạy Kinh thánh, lưu truyền hình ảnh một
trái đất phẳng. Một sự thoái bộ đáng kể trong kiến thức thiên văn học kéo dài
trong cả thiên niên kỷ.
Dưới đế quốc Byzantin, những kiến thức khoa học không có tiến bộ mà chúng chỉ
được lưu truyền mà thôi. Hoàng đế Justinien, năm 529, đóng cửa ngôi trường
Tân_Platon cuối cùng ở Athènes. Các triết gia chạy trốn qua Ba Tư nơi những
bản văn của các nhà tư tưởng Hy Lạp sẽ được bảo lưu nơi các trường học của các
giáo sĩ Cơ đốc dòng Nestoriens. Các vị này sẽ truyền lại cho các học giả Ả Rập,
họ cũng lợi dụng được sự tài bồi từ nguồn Ấn Độ, văn hoá Hy Lạp được vun
trồng ở Ấn Độ sau những cuộc chinh phục của Alexandre. Như thế công trình của
Ptolémée được dịch sang tiếng Ả Rập dưới tên gọi Almageste. Bằng cách này
khoa thiên văn Ả Rập biểu lộ vai trò cốt yếu của nó, qua những bản dịch, giảng
giải và bình luận về khoa học cổ đại mà nó truyền lại cho thế giới Cơ đốc giáo,
cho phép sự hồi sinh của khoa thiên văn ở Châu Âu thời Trung cổ.