vậy thì sự tu dưỡng tinh thần của bản thân sẽ có tác dụng giáo dục
thầm lặng đối với trăm họ, tư tưởng cũng ngầm tương thông với dân
chúng, từ đó đạt đến tầm “vô vi nhi trị” (không làm mà trị), đó là
phương pháp thượng đẳng trong việc dùng đức trị nước. Nếu không
hủy hoại thứ đã tạo thành, thì vẫn giữ được diện mạo vốn có của nó,
miễn trừ những việc không vội phải làm, giảm bớt rồi lại giảm bớt. Dù
nhà cửa tuềnh toàng xen lẫn với cung thất hoa lệ, lan can bằng đá quý
xen lẫn với bậc cấp bằng đất cũng không so đo, việc gì làm cho trăm
họ vui thì khiến họ làm, đừng tiêu hao hết tinh lực của họ. Thường
xuyên nghĩ rằng người ở không thoải mái an dật, còn người làm việc
thì vô cùng vất vả, như thế trăm họ sẽ vui vẻ quy thuận quân vương
như con chăm cha mẹ, mọi người đều dựa vào quân quốc vương mà
tính tình quy về thuần phác, đó là phương pháp thứ đẳng trong việc
dùng đức trị nước. Nếu quân vương có một ý nghĩ sai lầm, thì sẽ
không biết cân nhắc trước sau, quên nỗi gian nan khi gây dựng nước
nhà, cho rằng ý chỉ của trời cao có thể dựa dẫm được mà lơ là việc tiết
kiệm trong cung thất, một mực theo đuổi sự xa hoa tráng lệ. Cứ tăng
trưởng như thế, không biết dừng lại và thỏa mãn, trăm họ không nhìn
thấy đức tốt của nhà vua, trái lại chỉ nghe thấy thông tin binh dịch
không ngớt, đó là phương pháp trị nước hạ đẳng nhất. Biện pháp này
chẳng khác nào vác củi đi dập lửa, đổ nước sôi cho ngừng sôi, dùng
bạo tàn thay thế bạo tàn, dẫm vào vết xe đổ rối ren ban đầu, hậu quả
của nó thực khó lường được. Cứ như thế, nối tiền triều thì có nghiệp
tích gì thể hiện? Nhà vua không thể hiện được đức hạnh sẽ khiến trăm
họ oán hận, thần linh phẫn nộ, tai họa nhất định sẽ xảy ra. Tai họa một
khi xảy ra thì phản loạn nhất định sẽ trỗi dậy, phản loạn đã trỗi dậy thì
khả năng bảo toàn được tính mạng, danh dự là rất nhỏ. Sau khi thay
đổi triều đại theo ý chỉ của trời, đế nghiệp sẽ hưng thịnh bảy trăm năm
và để lại cho con cháu, truyền đến muôn đời. Cơ nghiệp của nước nhà
khó gây dựng mà dễ mất đi, có thể không suy nghĩ nghiêm túc hay
sao?