nên dựng nghiệp khó.
Ngụy Trưng đáp:
− Đế vương khởi binh ắt nắm được lúc thế đạo suy bại rối ren,
tiêu diệt những kẻ cuồng loạn, bá tánh sẽ yêu mến, người trong thiên
hạ đều quy thuận; trên có trời trao mệnh, dưới có dân đi theo, cho nên
dựng nghiệp không coi là khó. Nhưng khi đã lấy được thiên hạ, lại chí
thú vào việc xa xỉ dâm dật. Dân chúng mong muốn được nghỉ ngơi,
nhưng các loại phục dịch không dứt; bá tánh đã cùng khốn mệt mỏi,
mà việc xa xỉ lại không nguôi một khắc; sự suy bại thường nảy sinh từ
đây. Từ đó mà luận thì giữ gìn công nghiệp đã gây dựng được còn khó
khăn hơn.
Thái Tông nói:
− Huyền Linh trước kia theo trẫm bình định thiên hạ, nếm đủ mọi
gian nan khốn khổ, ra vào cõi chết, may mắn được một con đường
sống nên thấy được cái gian nan của quá trình dựng nghiệp. Ngụy
Trưng và trẫm cùng an định thiên hạ, lo lắng việc nảy sinh mầm mống
kiêu xa dâm dật, ắt sẽ trở lại cảnh nguy vong, cho nên thấy được nỗi
gian nan của việc giữ gìn cơ nghiệp. Nay cái gian nan trong dựng
nghiệp đã qua đi, còn việc khó khăn là giữ gìn cơ nghiệp, trẫm phải
cùng các khanh suy nghĩ cẩn thận.
Năm Trinh Quán thứ 11, Đặc tiến Ngụy Trưng dâng lên Đường
Thái Tông một bản tấu chương rằng:
− Theo thần thấy, từ xưa tới nay, các bậc quân chủ nhận được Hà
đồ mà đón lấy vận trời, kế thừa đại nghiệp, giữ vững lễ nhạc, bảo vệ
pháp lệnh, sử dụng nhân tài, ở ngôi vua mà trị vì thiên hạ đều mong
muốn đức tốt của mình sánh ngang với trời đất, sự cao minh của mình
tỏa sáng cùng nhật nguyệt; gốc vững thì chống đỡ được lâu dài, truyền
ngôi không bao giờ dứt. Vậy nhưng, người làm tốt đến bước cuối cùng
rất ít, còn kẻ thất bại và diệt vong lại liên tiếp, nguyên nhân bởi đâu?
Tìm hiểu nguyên nhân, là bởi không tuân theo quy luật. Bài học mất
nước của đời trước không xa, có thể dùng để chứng minh.