thể chỉ cầu giáo hóa không có sai lầm, dùng để duy trì chế độ đương
thời là được? Hơn nữa các quân vương thánh minh từ xưa tuy là tiến
hành giáo hóa tương ứng với các trường hợp khác nhau của con người
cụ thể, sự khoan hậu và nghiêm khắc của chính lệnh biến đổi theo thời
cuộc, nhưng phương châm chung là thực hiện hai phương diện tiết
kiệm cho bản thân và thi ân cho trăm họ. Do đó trăm họ của họ yêu
quý họ giống như yêu quý cha mình, ngưỡng mộ họ như ngưỡng mộ
nhật nguyệt, tôn kính họ như tôn kính thần linh, sợ họ như sợ sấm sét,
đây là nguyên nhân đế vị của họ được truyền lâu dài mà họa loạn
không xảy ra.
Nay trăm họ ở sau thời loạn, nhân khẩu chỉ bằng một phần mười
thời Tùy, nhưng quan sai phục dịch người nọ tiếp nối người kia lên
đường, anh đi khỏi nhà em mới trở về, trước sau tiếp nối không dứt.
Lộ trình xa, đi về năm sáu nghìn dặm, xuân đi thu về, đông đi hạ về,
một chút thời gian nghỉ ngơi cũng không có. Bệ hạ tuy thường xuống
ân chiếu, lệnh giảm sai dịch, nhưng các bộ phận liên quan vẫn không
ngừng làm việc, tự nhiên phải dùng đến người, dù đã xuống chiếu lệnh
cũng vẫn lay chuyển trăm họ. Thần thường đi hỏi, bốn năm năm nay,
có rất nhiều lời oán thán, cho rằng bệ hạ không có lòng nuôi dưỡng họ.
Ngày trước Đường Nghiêu lấy cỏ tranh lợp nhà, đắp đất làm bậc, Hạ
Vũ cơm áo đơn giản, những việc như thế thần biết không thể lại thực
hiện ở ngày nay, Hán Văn Đế tiếc chi phí nên cho dừng xây dựng lộ
đài; thu thập túi vải mà bề tôi dâng sớ dùng làm trướng của cung điện,
Thận phu nhân mà ông sủng ái mặc váy không quét đất. Đến thời
Cảnh Đế, vì các loại đồ dệt như gấm vóc làm tổn hại đến việc dệt tơ,
thêu thùa của phụ nữ nên hạ lệnh miễn trừ không dùng, khiến trăm họ
sống an lạc. Đến Hiếu Võ Đế, tuy cực kỳ xa xỉ, nhưng nhờ vào ân đức
Văn Đế, Cảnh Đế để lại nên lòng dân không động loạn. Nếu sau Hán
Cao Tổ, tức thời đại Võ Đế, thiên hạ ắt không được bảo toàn. Những
tình hình này về thời gian cách nay rất gần, sự tích còn có thể hiểu rõ.