Quán thứ năm thứ sáu đến nay, liên tục được mùa, một vuông lụa hơn
mười thạch gạo, mà trăm họ đều cho là bệ hạ không quan tâm thương
xót họ, đều có lời oán. Lại vì những việc làm hiện nay, rất nhiều việc
không thật sự cần thiết. Xưa nay sự hưng vong của nước nhà không ở
tích trữ bao nhiêu, mà chỉ phụ thuộc vào việc cuộc sống của trăm họ là
đau khổ hay yên vui. Có thể lấy sự việc gần đây để chứng minh điều
này, nhà Tùy tích trữ lương đầy kho đụn, nhưng Lý Mật lại tiếp quản
nó; Đông Kinh Lạc Dương tích trữ vải vóc, nhưng lại do Vương Thế
Sung chiếm hữu nó; quốc khố của quan phủ ở Tây Kinh Trường An
tích trữ, nhưng cũng do Đại Đường ta sử dụng, đến nay vẫn chưa dùng
hết. Nếu các kho đụn không tích trữ lương thực vải vóc thì Vương Thế
Sung, Lý Mật sẽ nhất định không thể tập trung được nhiều nhân mã.
Nhưng tích trữ vốn là việc bình thường của nhà nước, nhưng phải chờ
trăm họ có dư thừa mới trưng thu tích trữ. Nếu trăm họ lao khổ mà
cưỡng chế trưng thu, kết quả sẽ mang đi tài trợ cho kẻ địch, tích trữ nó
là vô ích. Mà tiết kiệm giúp trăm họ được nghỉ ngơi, điều này đích
thân bệ hạ đã thực hiện vào năm Trinh Quán thứ nhất, bởi vậy nay
thực hiện nó không hề khó. Thực hiện một ngày là thiên hạ sẽ biết và
ca hát nhảy múa. Nếu trăm họ đã lao khổ mà lại không ngừng sai dịch
họ, chẳng may trong nước bị hạn hán lụt lội, biên cương có kẻ địch
xâm phạm, phần tử phi pháp thừa cơ làm loạn thì sẽ xảy ra tình trạng
không lường trước được, không chỉ là bệ hạ phải ăn tối ngủ muộn.
Nếu dựa vào bệ hạ thánh minh, thực sự nghĩ đến việc phấn chấn tinh
thần trị nước, không cần dựa vào chuyện thời xưa, chỉ cần theo kịp
như năm Trinh Quán thứ nhất thì thiên hạ đã rất may mắn rồi.
Thái Tông nói:
− Gần đây, không ngờ trăm họ ca thán oán hận, đó chính là lỗi
lầm của trẫm.