Ngụy Trưng đáp:
− Đấy là nói theo quan điểm của kẻ thường nhân, không thể áp
dụng cho bậc quân chủ anh minh. Nếu bậc quân chủ anh minh thi
hành giáo hóa, trên dưới đồng lòng hiệp lực thì trăm họ sẽ nhanh
chóng hưởng ứng giống như tiếng vọng, dù không muốn nhanh chóng
cũng có thể nhanh chóng đạt được thành công. Trong vòng một năm là
có thể làm được, hẳn là không mấy khó khăn, ba năm mới đạt được
thành công còn cho là quá muộn.
Thái Tông cho là đúng. Bọn Phong Đức Di nói:
− Sau ba triều Hạ, Thương, Chu, con người ta dần trở nên giảo
hoạt trí trá, bởi vậy nhà Tần trị nước chuyên dùng hình pháp, nhà Hán
áp dụng cả nhân nghĩa lẫn hình pháp, đều là muốn làm cho dân phong
thuần chính mà chưa thực hiện được, sao có thể nói có thể làm cho
dân phong thuần chính mà không muốn làm? Nếu tin lời Ngụy Trưng
thì e nước sẽ gặp bại loạn.
Ngụy Trưng nói:
− Khi Ngũ Đế, Tam Hoàng trị nước, không hề thay đổi dân
phong mà thực hiện được việc giáo hóa. Thực hiện đạo vô vi nhi trị
(không làm gì mà trị) thì làm nên đế nghiệp, thực hiện đạo nhân nghĩa
thì làm nên vương nghiệp, điều này phụ thuộc vào việc trị vì, giáo hóa
của bậc quân chủ đương thời, khảo sát ghi chép trong sách vở cổ là
biết được. Ngày xưa Hoàng Đế và Xi Vưu đánh nhau hơn 70 trận, khi
đó vô cùng hỗn loạn, sau khi chiến thắng Xi Vưu hung tàn, Hoàng Đế
tập trung vào việc giáo hóa và làm cho thiên hạ thái bình. Tộc Cửu Lê
làm loạn, Chuyên Húc đem quân chinh phạt họ, sau khi chiến thắng,
không hề quên việc giáo hóa. Hạ Kiệt dâm loạn bạo ngược, Thương
Thang đánh đuổi và thiên hạ thái bình. Trụ vương nhà Thương vô đạo,
Chu Võ Vương thảo phạt, đến thời con của Võ Vương là Chu Thành
Vương cũng đạt được thái bình. Nếu nói con người ta càng ngày càng
giảo hoạt trí trá, không thể làm cho thuần chính chất phác thì đến nay
hẳn đã biến thành quỷ quái yêu tinh, sao có thể còn giáo hóa được?