trong trận chiến, Thái Tông đích thân băng bó cho ông và ban cho ngự
thiện.
✽✽✽
Bài “Đế phạm” của Thái Tông viết: “Giáo mác cung tên là hung
khí. Đất tuy rộng lớn, nhưng phát động chiến tranh trăm họ sẽ khổ;
nước nhà tuy an ninh, nhưng quên phòng bị chiến đấu trăm họ sẽ lười
biếng. Trăm họ khốn khổ không phải là phương pháp giữ nước, trăm
họ lười biếng không phải là biện pháp đối phó kẻ địch. Binh khí vừa
không thể hoàn toàn loại bỏ, cũng không thể thường xuyên sử dụng.
Bởi thế khi nông nhàn luyện tập võ nghệ, học nghi thức hành sự tiến
thoái; ba năm trị quân, phân biệt cấp bậc vị thứ. Do đó Câu Tiễn lễ con
ếch trước mặt ba quân, khích lệ sĩ khí không quên nỗi nhục, cuối cùng
gây dựng bá nghiệp; Từ Yển bỏ võ bị, cuối cùng nước nhà diệt vong.
Là bởi làm sao? Vì nước Việt đã học nghi thức tiến thoái trong hành
sự, còn Từ Yển lại quên võ bị cho nước nhà. Khổng Tử nói: “Dùng
dân không học võ đi chiến đấu là bỏ dân”. Bởi thế hiểu được uy lực
của binh khí, dùng nó để mưu lợi cho nước nhà là chức trách của
người dụng binh.
✽✽✽
Năm Trinh Quán thứ hai mươi hai, Thái Tông định một lần nữa
thảo phạt Cao Ly. Lúc này Tư không Phòng Huyền Linh mắc bệnh
nặng, ông nói với con trai:
− Nay thiên hạ thái bình, mọi mặt đều được xếp đặt tốt, chỉ có
hoàng thượng muốn một lần nữa thảo phạt Cao Ly, chính là đại họa
của nước nhà. Hoàng thượng giận dữ ra quyết định, bề tôi không ai
dám mạo phạm uy nghiêm để khuyên can. Ta biết cái hại của nó mà
không nói, có thể nói là ngậm hờn mà chết.
Thế nên dâng bản tấu khuyên ngăn: