Năm Trinh Quán thứ bảy, cha của Thục vương phi là Dương Dự
truy đuổi tì nữ ở cấm địa hoàng cung, Đô quan lang trung Tiết Nhân
Phương bắt ông ta lại tra hỏi, chưa kịp xử trí thì con trai Dương Dự
làm Thiên ngưu dâng sớ bẩm tấu trên cung điện:
− Quan ngũ phẩm trở lên nếu không phạm tội phản nghịch thì
không nên bắt giữ, vì cha thần là thân thích hoàng thất, nên có nhiều
vấn đề chưa thể quyết đoán.
Thái Tông nghe xong cả giận:
− Đã biết là thân thích của trẫm mà cố tình làm như vậy ư?
Rối lập tức hạ lệnh đánh Tiết Nhân Phương một trăm roi, phế
chức quan ông đang nhậm. Ngụy Trưng tấu nói:
− Con cáo dưới tường thành và con chuột dưới miếu thờ đều là
những con vật bé nhỏ, vì chúng có chỗ dựa nên khó trừ bỏ chúng.
Huống hồ nhà quan lại và thân thích hoàng thất, ngày xưa đã có tiếng
là khó trị, từ thời Đông Hán, Tây Tấn đến nay đã phát triển đến mức
không cấm cản kiểm soát được. Vào năm Võ Đức, đã có nhiều hiện
tượng kiêu ngạo phóng túng, sau khi bệ hạ lên ngôi mới bắt đầu giảm
đi. Tiết Nhân Phương đã thực hiện chức trách của mình, có thể chấp
pháp vì nước, sao có thể xử phạt để tăng thêm dục vọng cho ngoại
thích? Nếu có tiền lệ này thì các tệ nạn sẽ bắt đầu trỗi dậy, sau này
nhất định sẽ hối hận, khi đó thì không còn cách nào thay đổi. Xưa nay
người cấm tuyệt ngoại thích hoành hành chỉ có một mình bệ hạ. Làm
tốt việc chuẩn bị, phòng ngừa sự bất ngờ là đạo lý thông thường trong
trị nước. Lẽ nào có thể khi nước chưa tràn đã muốn hủy hoại đê? Thần
suy nghĩ mãi mà không thấy cách làm này khả thi.
Thái Tông nói:
− Đúng như lời khanh nói, trước đây trẫm không hề nghĩ tới.
Nhưng Tiết Nhân Phương tự ý bắt giữ tù nhân mà không tấu báo, đó là
chuyên quyền, tuy không nên trị tội nặng, nhưng cũng phải phạt nhẹ
để cảnh cáo.
Và lệnh cho hai mươi roi rồi xá miễn cho Nhơn Phương.