Năm Trinh Quán thứ mười một, có viên quan bẩm với Thái Tông
chuyện Lăng Kính kinh doanh cầu lợi. Thái Tông trách bọn Thị trung
Ngụy Trưng tiến cử người bừa bãi, Ngụy Trưng nói:
− Mỗi lần được bệ hạ hỏi, chúng thần đều nói rõ ưu điểm và
khuyết điểm của Lăng Kính. Có học vấn, dám can gián là ưu điểm của
ông ấy; quá lưu tâm đến sinh kế, thích kinh doanh là nhược điểm của
ông ấy. Nay Lăng Kính viết văn bia cho người ta, dạy người ta đọc
“Hán thư”, lấy đó làm cớ trao đổi cầu lợi, điều này khác với những gì
chúng thần nói. Bệ hạ không dùng sở trường của ông ấy, chỉ thấy được
sở đoản của ông ấy mà cho rằng chúng thần che giấu bệ hạ, thực
không dám tâm phục.
Thái Tông tiếp thu ý kiến của ông.
✽✽✽
Năm Trinh Quán thứ mười một, Đường Thái Tông nói với thị
thần:
− Hôm qua trẫm đến Hoài Châu, có người dân mật tấu: “Tại sao
thường xuyên sai phái rất nhiều nam giới thành niên ở vùng Sơn Đông
xây dựng ở Uyển Nội? Lao dịch ngày nay dường như không ít hơn
thời nhà Tùy. Hoài Châu, Lạc Hà trở về đông, trăm họ còn sống sót
sau chiến loạn không chịu đựng được nền chính trị hà khắc này, mà
những cuộc săn bắn vẫn diễn ra liên miên, thực là quân chủ kiêu xa
dâm dật! Nay lại đến Hoài Châu săn bắn, lời can gián trung thành
không còn đến Lạc Dương nữa”. Bốn mùa săn bắn đã là nghi lễ
thường xuyên của đế vương, nay săn bắn ở Hoài Châu chẳng hề phạm
đến trăm họ. Việc dâng sớ can gián sửa chữa tự có tiêu chuẩn thông
thường, bề tôi đáng quý ở chỗ có lời khuyên can, quân chủ đáng quý ở
chỗ biết sửa lỗi lầm. Lời phỉ báng thế này hơi giống với chửi mắng.
Thị trung Ngụy Trưng dâng tấu nói:
− Nước nhà mở rộng con đường nói năng chính trực, cho nên
người dâng mật tấu rất nhiều, bệ hạ đích thân giở đọc để mong lời bề