nhiễu. Con trai của ta đương nhiên không được phép phóng túng kiêu
ngạo, các khanh qua lại với nhau, sao có thể cùng nhau khinh miệt
chúng?
Nếu trẫm phóng túng cho chúng, lẽ nào không thể làm khó chư
công?
Bọn Phòng Huyền Linh, quỳ hết xuống xin tội. Ngụy Trưng sắc
mặt nghiêm chỉnh khuyên can:
− Các vị đại thần ngày nay nhất định không hề khinh miệt Việt
Vương. Nhưng về lễ nghĩa, bề tôi, con trai là như nhau. Kinh truyện
nói rằng, người bên cạnh đế vương tuy thấp hèn, nhưng xếp trên chư
hầu. Chư hầu nhiệm dụng họ làm công thì là công; nhiệm dụng họ làm
khanh thì là khanh. Nếu không phải là công khanh thì ở dưới hầu hạ
chư hầu. Nay những người tam phẩm trở lên, địa vị ngang với công
khanh, đều là đại thần của thiên tử, là những người được bệ hạ lễ kính
ưu đãi. Mặc dù họ có chút không đúng, nhưng Việt Vương sao có thể
tùy tiện làm nhục? Nếu pháp chế luân thường của nhà nước đã bị phế
bỏ phá hoại, thì đó chẳng phải là điều thần có thể hiểu. Trong thời đại
thánh minh ngày nay, Việt Vương sao có thể làm như vậy? Huống hồ
Tùy Văn Đế không biết lễ nghĩa, sủng ái chư vương kiêu ngạo, khiến
các con làm những việc vô lễ, không lâu sau, vì phạm tội mà bị bãi
truất. Không thể làm tấm gương thì có gì đáng để khen ngợi?
Thái Tông nghe Ngụy Trưng nói xong mừng ra mặt, bảo quần
thần:
− Lời khanh nói lý lẽ đầy đủ chu đáo, không thể không phục. Lời
trẫm nói xuất phát từ lòng riêng của bản thân. Điều Ngụy Trưng nói là
đại pháp căn bản của nước nhà. Vừa rồi trẫm nổi giận, tự cho là có đầy
đủ lý do mà tin tưởng sâu sắc, nay nghe Ngụy Trưng nói, mới thấy lời
của mình thực không có đạo lý. Lời nói của kẻ làm vua thực không dễ
chút nào.
Rồi triệu kiến bọn Phòng Huyền Linh trách cứ, ban thưởng cho
Ngụy Trưng một nghìn súc lụa.