tận tâm. Nếu người được tiến cử phù hợp thì việc gì phải tị hiềm người
đối địch hay bạn cũ? Nếu người được tiến cử không phù hợp thì việc
gì phải coi người xa lạ là quý? Đối xử với đại thần không thật tâm
thành ý thì lấy gì để yêu cầu họ trung thành. Bề tôi tuy có khi có chỗ
sai sót, nhưng nhà vua không phải lúc nào cũng đúng. Vua không tin
bề tôi ắt sẽ cho là trong số các bề tôi không có ai tin tưởng được. Nếu
nhất định cho rằng trong số bề tôi không có ai tin tưởng được thì nhà
vua cũng có chỗ đáng để hoài nghi. Sách “Lễ ký” viết: “Nhà vua đa
nghi, trăm họ sẽ mê hoặc. Không hiểu kẻ bề tôi, nhà vua sẽ âu sầu”.
Nhà vua và bề tôi nghi kỵ nhau thì đừng mong làm cho nước nhà đại
trị. Nay trong số quần thần, có người ở phương xa, lời đồn đại không
hay ba lần truyền đến mà không có người vứt khung cửi bỏ trốn giống
như mẹ Tăng Sâm thì trộm nghĩ không có người như thế. Thiên hạ
rộng lớn, nhân sĩ trăm họ rất nhiều, lẽ nào không có người nào đáng
tin cậy hay sao? Biết tin tưởng vào bề tôi thì không có ai không tin
tưởng được, nghi ngờ bề tôi thì không có ai đáng để tin cậy, sao chỉ là
lỗi của bề tôi? Huống hồ một người bình thường kết bạn thân với một
người khác cũng sẽ cam kết bằng sinh mệnh, đến chết còn không thay
đổi, huống hồ là vua tôi ý hợp nhau, noi gương nhau, như cá với
nước? Nếu nhà vua được như Nghiêu Thuấn, bề tôi được như Tắc,
Khế, thì sao có thể gặp chuyện nhỏ mà đã mất ý chí, gặp lợi nhỏ đã
thay lòng? Đây tuy là bề tôi xây dựng lòng trung vẫn chưa rõ rệt,
nhưng cũng là do trong lòng nhà vua không tin tưởng bề tôi, đối xử
với họ quá hà khắc gây nên. Lẽ nào đây là vua dùng lễ đối xử với bề
tôi, bề tôi dùng lòng trung thờ vua? Dựa vào sự thánh minh của bệ hạ,
dựa vào công nghiệp ngày nay, nếu có thể tìm kiếm rộng rãi tuấn kiệt
đương thời, trên dưới đồng lòng, thì tam hoàng có thể tăng thành tứ
hoàng, ngũ đế có thể thêm thành lục đế. Các nhà Hạ, Ân, Chu, Hán
sao có thể sánh bằng?
Thái Tông rất tán đồng ý kiến của Ngụy Trưng.
✽✽✽