Năm Trinh Quán thứ mười sáu, Đường Thái Tông hỏi Ngụy
Trưng:
− Trẫm kiềm chế bản thân, một lòng trị nước, ngưỡng mộ các bậc
quân chủ tài năng và nhiều mưu lược thuở trước, mong sánh kịp họ.
Tích đức tốt, tăng nhân nghĩa, xây dựng nghiệp lớn, mưu lợi cho dân,
bốn việc này trẫm cho là quan trọng nhất, trẫm đều muốn dùng để
khích lệ mình. Con người khổ vì không biết được lỗi lầm của mình,
không biết việc làm của trẫm tốt xấu thế nào?
Ngụy Trưng đáp:
− Tích đức tốt, tăng nhân nghĩa, gây dựng nghiệp lớn, mưu lợi
cho dân, bệ hạ đều đã làm được. Vậy thì trong nước dẹp yên họa loạn,
ngoài nước chinh phục Nhung Địch là công nghiệp của bệ hạ; vỗ về
trăm họ để họ đều có nghề nghiệp mưu sinh là lợi mà bệ hạ thu được.
Như vậy, việc lập công, thu lợi nhiều lắm, chỉ có điều hai việc đức
hạnh, nhân nghĩa mong bệ hạ thực hiện không ngừng, nhất định là có
thể đạt được.
✽✽✽
Năm Trinh Quán thứ mười bảy, Đường Thái Tông hỏi các đại
thần theo hầu:
− Xưa nay các bậc đế vương khai nghiệp, đến tay con cháu
thường sinh ra họa loạn, là nguyên cớ làm sao?
Tư không Phòng Huyền Linh nói:
− Đó là bởi ấu chúa lớn lên trong thâm cung, từ nhỏ đã có cuộc
sống phú quý, không hề biết đến sự chân giả trong các sự việc nhân
gian, sự an nguy trong trị nước, cho nên khi lên nắm quyền thì thường
sinh ra họa loạn.
Thái Tông nói:
− Ý của khanh là đẩy lỗi lầm cho quân chủ. Còn trẫm thì lại quy
tội cho bề tôi. Con em của các công thần phần lớn là vô tài vô đức,