một xã hội đang phát triển sẽ khai thác mạnh mẽ các tài nguyên thiên
nhiên, nó sẽ sản xuất ra một lượng rác lớn tương ứng, và những vùng
đất không người ở của nó sẽ nhanh chóng toàn rác là rác, đe dọa
biến những vùng có người ở của chính xã hội đó trở thành bãi rác.
Vì chất thải mang tính khai mở, nó không chỉ bị đặt ngoài tầm
mắt, mà còn bị coi là một loại phản tài sản. Không ai sở hữu nó. Một
phần mâu thuẫn trong hiện tượng chất thải là khi đối xử với tự
nhiên như thể nó thuộc về chúng ta, chúng ta sẽ phải nhanh chóng
đối xử với tự nhiên như thể nó không thuộc về ai cả. Không chỉ
không ai sở hữu chất thải mà còn không ai muốn nó. Thay vì cạnh
tranh để sở hữu những sản phẩm đặc thù này, chúng ta cạnh tranh để
không sở hữu nó. Chúng ta ép nó lên những người khác, những người
kém hơn trong việc loại bỏ nó ra khỏi họ. Rác tích tụ trong các khu ổ
chuột. Hàng nghìn héc-ta đất nông nghiệp bị nhiễm chất thải từ
việc xây dựng đường cao tốc nhiều làn, hay bị nhấn chìm bởi
những con đập mà nước của chúng được dùng để xả chất thải từ các
thành phố xa xôi.
Chất thải là phản tài sản thuộc sở hữu của kẻ thua cuộc. Nó là
biểu tượng của những người không có danh hiệu.
Chất thải mang tính khai mở, vì nó liên tục thể hiện bản thân là
chất thải, và là chất thải của chúng ta. Nếu chất thải là kết quả
từ sự bàng quan của chúng ta với tự nhiên, nó cũng là cách chúng ta
trải nghiệm sự bàng quan của tự nhiên. Do đó, chất thải là thứ nhắc
nhở rằng xã hội là một loại văn hóa. Khi nhìn xung quanh bãi rác
mà chúng ta đã tạo ra từ một khu có người ở, chúng ta có thể thấy rõ
rằng tự nhiên không bao giờ là thứ mà chúng ta muốn nó là thế;
nhưng chúng ta cũng có thể thấy rõ rằng xã hội chỉ là thứ mà
chúng ta muốn nó là thế.