Jacques Vauthier
Trò chuyện với Trịnh Xuân Thuận
Phạm Văn Thiều dịch
Phần 7
Ông đã sống với niềm vui đó như thế nào? Làm thế nào có thể giải thích
được sự tồn tại của niềm vui ấy? Người ta có thể nói: xét cho cùng, thì
chẳng qua là tìm ra lời giải cho một bài toán, chấm hết, chứ có gì ghê gớm
đâu. Tuy nhiên, đúng là có một loại niềm vui dường như đạt tới cỡ siêu
hình đó.
Niềm vui của sự phát minh, trước hết đó là cảm giác vô cùng nhẹ nhõm vì
cuối cùng mình đã đạt tới mục đích, sau khi đã sống với bài toán một thời
gian không xác định được. Đó là sự thỏa mãn to lớn về một công việc đã
hoàn tất. Đó cũng là niềm kiêu hãnh lớn lao vì mình đã vén lên được một
góc nhỏ bé của bức màn bí mật và là người đầu tiên hiểu được một khía
cạnh nào đó của Vũ trụ mà trước đó chưa ai biết. Theo quan niệm này thì
nhà khoa học có một vị trí đặc ân: hơn ai hết, anh ta biết đặt ra những câu
hỏi đúng và biết trả lời cho những câu hỏi đó. Nhờ cái nhìn đặc biệt của
mình, mà nhà khoa học có thể đánh giá tốt hơn sự xếp đặt kỳ diệu của Vũ
trụ.
Ông có những “cây đàn muôn điệu” để thoát khỏi cảnh sống khổ hạnh của
một nhà khoa học?
Tất nhiên. Cuộc sống sẽ quá là đơn điệu nếu đời tôi chỉ có thiên văn học.
Và như tôi đã từng nói với ông, trong nghiên cứu khoa học có những thời
điểm bế tắc, rơi vào ngõ cụt. Khi đó tốt nhất là bỏ bài toán đấy trong một
thời gian, đắm mình trong một hoạt động hoàn toàn khác, rồi sẽ quay lại
với nó sau, với một trí óc đã hoàn toàn được nghỉ ngơi. Thực ra, trong khi
đó, tiềm thức vẫn hoạt động và lời giải tự nó sẽ xuất hiện.
Tôi rất thích đọc sách. Tôi đọc lướt các báo hàng ngày và tạp chí để nắm
bắt tin tức thời sự về chính trị, nghệ thuật và văn học. Thực ra, toàn bộ hoạt
động sáng tạo của con người tôi đều quan tâm. Tôi hết sức khâm phục tiểu
thuyết của các nhà văn Mỹ La tinh như Gabriel Garcia Marquez hay Mario