Đức Phật. Trong mọi trường hợp, ngay cả khi đã được hệ thống hóa, đạo
Phật có rất ít những ràng buộc. Chính nhờ sự tự do rộng rãi như thế, tôi mới
trở thành một phật tử mà không phải thường xuyên đi chùa. Tôi đã thấm
đẫm triết học đó và sống theo nó.
Ông đã được nhận một nền giáo dục về Phật giáo qua mẹ ông hay một ai
khác, một nhà sư của một ngôi chùa nào đó ở Sài Gòn, chẳng hạn?
Thuở ấu thơ, tất cả những lời răn dạy của Đức Phật mà tôi nhận được là do
mẹ tôi. Bà vừa là một người có tín ngưỡng vừa là người rất chăm đi lễ. Bà
thường dẫn tôi đi các chùa và nói cho tôi biết những lời răn dạy của Đức
Phật. Ở nhà, mẹ tôi có một phòng dành riêng để thờ Phật. Tối nào mẹ tôi
cũng tụng kinh ở đó và tôi cũng rất thích cùng đọc với bà, ngay cả khi tôi
hoàn toàn chẳng hiểu gì. Việc đọc kinh thành tiếng đối với tôi như một loại
thiền, nó cho phép xua đuổi những ý nghĩ linh tinh ra khỏi đầu óc. Vậy là
nhờ mẹ tôi, tôi đã sống qua khía cạnh nghi lễ của Đạo Phật. Về khía cạnh
triết học của nó, sau này, khi đã lớn, tôi học theo sách vở.
Theo ông thì tư tưởng nào có thể thâu tóm tốt nhất tinh hoa của đạo Phật?
Theo tôi thì đó là luật karma (nghiệp): chúng ta luôn gặt hái được cái mà
chúng ta đã gieo. Cái đã làm ở những kiếp trước, bất kể tốt hay xấu, đều
không bao giờ mất đi cả. Chẳng hạn, cuộc sống của chúng ta hiện nay là
kết quả trực tiếp của những hành động, cả tốt lẫn xấu, của chúng ta trong
suốt tất cả các kiếp trước. Khái niệm nghiệp chướng đem lại cho sự tồn tại
của cái ác và của những khổ đau của trần gian một ý nghĩa. Những khổ đau
này được nảy sinh bởi một nghiệp chướng xấu. Nhưng hy vọng vẫn còn:
một khi những món nợ đã trả xong, mỗi người đều có thể với tới hạnh
phúc. Về mặt triết học, tôi thấy rất hay là người ta luôn luôn phải gánh lấy
hậu quả của những hành động của mình. Điều này gợi cho tôi tới chủ nghĩa
hiện sinh của Jean Paul Satre!
Ông nghĩ thế nào về hiện tượng thác sinh (đầu thai) ở các kiếp sau?
Chuyện này thực sự là nằm ngoài khoa học và hoàn toàn là siêu hình.
Người sẽ trả lời không phải là nhà khoa học, mà là người, thật không may,
cũng lại không phải là người giải thích Đạo Phật.
Trước hết, tôi cần phải nói ngay rằng tôi thích thuật ngữ “tái sinh” hơn là từ