Cần phải nói chính xác thêm rằng niết bàn cũng có thể đạt được trong chính
cuộc đời này, trước khi chết. Nhưng điều đó đòi hỏi được sự chín mùi về
tinh thần tới mức ít ai có thể đạt được trong một cuộc đời như Đức Phật đã
làm được. Nhưng tất cả chúng ta đã từng biết có những khoảnh khắc hiếm
hoi trong đó chúng ta cảm thấy mình hòa làm một với Vũ trụ và thoát khỏi
mọi ham muốn ích kỷ, trong đó chúng chỉ cảm thấy bình yên và thanh thản.
Những khoảnh khắc đặc ân đó mang lại cho chúng ta hương vị phảng phất
của niết bàn.
Ông dường như ít nhất cũng đã tán đồng cái phần khắc kỷ của Đạo Phật,
tức là một loại tự kiềm chế mình và những câu thú của bản thân mình?
Đức Phật đã dạy một loại văn hóa tinh thần có tên là “thiền”, nó nhằm gạt
bỏ khỏi đầu óc những điều phiền muộn và nuôi dưỡng những phẩm chất
như sự tập trung, sự chú ý và khả năng phân tích ngay cả trong những tình
huống khó khăn nhất. Ví dụ, theo lời dạy đó, nếu có sự phê phán làm cho
tôi nổi giận, thì thay vì mất tự chủ, tốt nhất là tôi nên lắng nghe và phân
tích một cách khách quan nguyên nhân sự nổi giận của tôi. Nếu điều mà
người đối thoại với tôi nói là đúng, thì tôi nên cảm ơn ông ta vì đã chỉ cho
tôi thấy chỗ mà tôi cần phải hoàn thiện thêm. Còn nếu điều người đó nói là
sai thì lời gièm pha của anh ta đâu có liên quan gì tới tôi. Vậy thì tại sao lại
phải tức giận? Trong hai trường hợp đó, sự phân tích cơn giận của tôi đã
làm cho nó nguôi đi. Vì vậy nói Đạo Phật giúp ta kiềm chế mình và những
câu thúc của mình là theo nghĩa đó. Do đó, tôi không dùng từ “khắc kỷ” gợi
cho tôi ý niệm về sự khổ hạnh, trong khi đó văn hóa tinh thần của Đạo Phật
mà tôi mô tả trên lại mang đến cho con người sự bình yên, thanh thản và
hạnh phúc.
Tôi cũng nghĩ rằng sự tự kiềm chế mình không chỉ có ở Đạo Phật, mà có ở
cả Đạo Khổng mà nền văn hóa Việt Nam đã thấm đẫm. Cũng hoàn toàn
như Đức Phật, Khổng Tử - một triết gia Trung Hoa sống vào khoảng năm
500 trước Công nguyên - đã nói về “Đạo trung dung”, một triết lý lên án
mọi hình thức thái quá trong suy nghĩ, nói năng và hành động. Bộc lộ sự
giận dữ của mình, đó là hành động của kẻ tiểu nhân - Ngài nói. Ngài cũng
đã để lại những quy tắc hành xử được soạn thảo công phu, đề cập tới các