Ông có ý kiến như thế nào về loại khó khăn, một sự vỡ mộng mà ai cũng
cảm thấy rất rõ giữa cái ta muốn làm và cái ta có thể làm được. Liệu đó có
phải là những khó khăn do tiền kiếp của mình không?
Trong cuộc đời nghề nghiệp của tôi, tôi vô cùng may mắn là chưa bao giờ
cảm thấy vỡ mộng đó. Tôi được làm cái mà tôi muốn và tôi thích: đó là
khoa học vật lý thiên văn.
Điều đó có nghĩa là trong đời sống tôi cũng có những khó khăn như những
người khác. Mặc dù với tư cách là một phật tử tôi tán đồng ý tưởng về
karma (nghiệp), nhưng không phải lúc nào tôi cũng nhắc nhủ mình rằng tất
cả những khó khăn mà tôi gặp phải đều là hậu quả không thể tránh khỏi của
những kiếp trước mà tôi phải bó tay không làm gì được. Trái lại, những trở
ngại lại càng kích thích và đòi hỏi tôi phải vượt lên cống hiến hết sức mình.
Cái nhìn của tôi thường hướng tới hiện tại và tương lai hơn là quá khứ.
Tôi muốn quay trở lại vấn đề thuật ngữ: khi ông nói về Thượng đế, ông
muốn gửi gắm điều gì sau từ đó?
Tôi không nói thượng đế theo nghĩa tôn giáo mà theo nghĩa một nguyên lý
sáng tạo, nguyên lý sắp xếp và điều chỉnh Vũ trụ chúng ta đồng thời tạo ra
sự thống nhất, vẻ đẹp và sự hài hòa của thế giới mà tôi cảm nhận được
thông qua công việc thiên văn của tôi. Tôi không hề gắn bó với thuật ngữ
đó Đức Phật hay Chúa Giêsu hay một nhân vật tôn giáo nào khác.
Đối với người theo đạo Thiên chúa, cuộc sống trên Trái đất chỉ là đoạn
đường tiến tới Chúa mà người ta ngưỡng vọng. Đó chỉ là một giai đoạn quá
độ, bước chuyển qua cái chết chẳng qua chỉ là thực hiện sự đối diện với
Người. Toàn bộ cuộc đời được định hướng tới thời điểm đó; tất nhiên cuộc
sống với ý nghĩa là một đòi hỏi tương ứng với Phúc âm, tức là tất cả không
được cho ngay lúc đầu cuộc chơi, mà có một đòi hỏi cực kỳ mạnh mẽ.
Nhưng hy vọng tối hậu là được nhìn thấy Người một cách đích thực và ở
thời điểm đó người ta sẽ được hưởng một niềm vui hoàn hảo. Tôi không
biết liệu ông có thấy điều đó có chút gì tương tự như đoạn đường cuối cùng
của một Phật tử sau rất nhiều lần đầu thai và sửa mình liên tiếp hay không?
Cần phải hiểu rằng Đạo Phật không hề nói về một thượng đế cá nhân. Việc
gặp gỡ với thần thánh không được thể hiện bằng sự đối diện với cá nhân