Jacques Vauthier
Trò chuyện với Trịnh Xuân Thuận
Phạm Văn Thiều dịch
Phần 3
Để đánh giá tốt hơn sự tác động qua lại thường xuyên giữa lý thuyết và
quan sát, xin ông mô tả đôi chút về công việc của một nhà thiên văn, công
việc của chính ông, chẳng hạn?
Công việc này bao gồm việc xác định bài toán khoa học mà mình muốn
khảo cứu: trong vô số những bí ẩn của Vũ trụ, mình sẽ tập trung chú ý tới
vấn đề gì? Các nhà khoa học vĩ đại nhất luôn luôn là những người biết đặt
ra những vấn đề xác đáng nhất.
Sau đó tôi cần phải làm đơn xin Đài thiên văn thời gian sử dụng kính thiên
văn và những dụng cụ khác phù hợp nhất với dự án của tôi. Phải mất hàng
chục triệu đôla mới xây dựng nổi. Vì vậy không thể nghĩ rằng bất cứ một
trường đại học hay một phòng thí nghiệm nào cũng có kính thiên văn riêng
của mình. Caltech là một ngoại lệ. Đây là một trường đại học luôn luôn có
tài thuyết phục được các nhà tỷ phú tài trợ. Chẳng hạn, kính thiên văn
đường kính 2,5m trên núi Wilson đã được xây dựng bằng tiền của ông vua
thép Andrew Carnegie, còn kính 5m trên núi Parloma là nhờ ông vua dầu
hỏa John Rockefeller. Caltech cùng hợp tác với trường đại học California
vừa mới hoàn tất vào năm 1991 việc xây dựng một kính thiên văn đường
kính 10m ( lớn nhất thế giới hiện nay) trên đỉnh ngọn núi lửa Mauna Kea
đã tắt trên đảo Hawaii. Giá tiền của kính thiên văn này lên tới cả trăm triệu
đôla và lại được tài trợ bởi William Keck, một ông vua công nghiệp khác.
Một kính thiên văn đường kính 10m thứ hai cũng được xây dựng trên núi
Mauna Kea và được kết nối với kính thứ nhất cũng vừa mới được ông Keck
cấp kinh phí. Nhưng không phải tất cả các trường đại học đều có cơ may
thu hút được các nhà từ thiện như vậy. May thay, nhà nước cũng tài trợ cho
các đài thiên văn quốc gia, như đài Kitt Peak trong khu rừng đại ngàn của
người da đỏ ở Arizona và cho phép tất cả các nhà thiên văn của Hoa Kỳ
đều được đăng ký sử dụng.