biết hôm nay có thể trở thành điều đã biết ngày mai, cho nên khoảng cách
đó không thể không diễn ra, không thể không vượt qua được. Có khoảng
cách đó là bởi kiến thức của con người luôn phát triển, và khi kiến thức
tăng, vùng ngu dốt sẽ giảm. Nói cách khác, khi người đó biết nhiều hơn,
phạm vi không biết thu hẹp lại và phạm vi đã biết trở nên lớn hơn.
Nếu chúng ta tuân theo logic này, kết quả tối thượng là một ngày nào đó sẽ
chẳng còn lại điều gì mà chúng ta chưa biết. Dần dần, cái chưa biết sẽ
chuyển thành cái đã biết, và khoảnh khắc đó sẽ đến khi không còn lại điều
gì mà chúng ta chưa biết. Đó là mục tiêu của khoa học, để tiêu diệt sự ngu
dốt – nhưng tiêu diệt sự ngu dốt có nghĩa là tiêu diệt mọi khả năng khám
phá, mọi khả năng về những điều chưa biết thôi thúc bạn tiến về phía trước.
Tiêu diệt sự ngu dốt có nghĩa là cái chết của toàn bộ trí thông minh, bởi vì
khi đó trí thông minh sẽ không còn được cần đến. Nó chỉ đơn giản là điều
gì đó hữu ích trong quá khứ – bạn có thể cất vào bảo tàng – nhưng giờ nó
không còn hữu ích nữa. Đây quả thật không phải là viễn cảnh thú vị cho
lắm.
Chủ nghĩa thần bí không đồng ý với khoa học, nó vượt lên trên khoa học.
Theo chủ nghĩa thần bí, sự hiện hữu và trải nghiệm được chia thành ba
phần:
cái đã biết, cái chưa biết và cái không thể biết. Cái đã biết từng
là cái chưa biết, cái chưa biết sẽ trở thành cái đã biết, nhưng cái không thể
biết sẽ luôn là điều không thể biết; nó vẫn luôn bí ẩn.
Cho dù bạn làm gì, sự bí ẩn sẽ vẫn luôn bao quanh sự hiện hữu. Sự bí ẩn sẽ
luôn hiện diện ở đó, trong cuộc sống, tình yêu, thiền.
Bạn không thể tiêu diệt sự bí ẩn.
Bạn có thể tiêu diệt sự ngu dốt, nhưng bằng cách tiêu diệt sự ngu dốt, bạn
không thể hủy hoại được phép mầu, sự huyền bí.