mạnh của sự trở về hay cái chết của con ông nhưng về phương diện
chuyên môn người ta vẫn còn lo ngại.
Nhưng làm thế nào để gây sự chấn động ấy? Người ta tự hỏi trong khi
chẳng tìm ra được câu trả lời. Hình như ông Vunphran không quan tâm
đến việc gì cả! Ông cũng chẳng muốn tiếp Taluen và hai người cháu
trong lúc ông lâm bệnh. Lúc nào, ông cũng bảo Bátxchiêng trả lời cho
Taluen, ông này kính cẩn, mỗi ngày hai lần, đến nhận mệnh lệnh vào
buổi sáng và buổi chiều.
- Hãy ra quyết định thế nào cho tốt!
Và lúc ra khỏi giường bệnh, ông Vunphran trở lại bàn giấy cũng
chẳng cần kiểm tra Taluen đã quyết định như thế nào. Còn Taluen quá
khôn ngoan, quá khéo léo, quá xảo quyệt và lại quá thận trọng để không
chọn một biện pháp nào khác với ông chủ khi ông khỏe mạnh.
Sự thờ ơ ấy không làm ngưng thói quen của Perin hàng ngày đưa ông
Vunphran đi thăm các nhà máy như trước kia, nhưng khác trước, ông
thường im lặng trên đường đi, không trả lời cho Perin về những nhận xét
mà chốc chốc em nêu lên. Đến các nhà máy, khi những quản đốc báo
cáo, ông cũng ít chú ý.
- Để tốt hơn, ông thường bảo, các anh nên trao đổi với Taluen.
Tình trạng này sẽ kéo dài đến bao giờ?
Một buổi chiều, sau khi đi thăm các nhà máy họ về gần đến Marôcua.
Con ngựa già buồn ngủ đang đi nước kiệu thì nghe trong làn gió như có
hồi kèn báo động.
- Hãy dừng lại, ông Vunphran nói, hình như người ta báo động: Có
đám cháy!
Cỗ xe dừng lại, tiếng kèn nghe rất rõ.
- Có đám cháy, ông Vunphran nói, cháu có thấy gì không?