đã nhiều lần nghĩ như thế.
Sau lều cỏ, ông Vunphran muốn cuộc thăm viếng đầu tiên của ông
dành cho nhà trẻ ở Marôcua.
Ông tưởng là đã biết đường đến đó vì đã nhiều lần tranh luận và
duyệt những kế hoạch với ông Phabry. Nhưng khi ông đứng trước cổng
và liếc mắt nhìn các phòng, trong phòng ngủ, bọn trẻ mặc may ô đang
nằm trong những chiếc nôi hồng hay xanh da trời đã phân biệt bé trai và
bé gái! Phòng chơi dành cho các cháu lớn, biết đi, rồi nhà bếp, nhà tắm.
Ông Vunphran ngạc nhiên và thích thú khi nhận ra những cách bố trí
khéo léo vì dùng những cánh cửa rộng, kiến trúc sư đã thực hiện cái ý
tưởng khó khăn nghĩa là, làm cái nhà trẻ thật sự là một cái nhà kính.
Người mẹ đứng ngoài đều thấy rõ những gì đang xảy ra ở các phòng mà
chị không cần vào.
Qua phòng ngủ, họ đến phòng chơi. Các cháu bé vôi chạy đến bên
Perin, đưa ra khoe những đồ chơi đang cầm trong tay: một cái kèn, cái
mõ, con ngựa gỗ, con gà, con búp bê…
- Ông thấy ở đây người ta biết con. – Ông Vunphran nói.
- Biết thôi ư? – Cô Benlom cãi lại, trong khi cùng đi với hai ông cháu
– hãy nói: được yêu, quý mến! Perin là người mẹ nhỏ tuổi của các cháu.
Không ai biết hướng dẫn các cháu chơi hơn em!
- Cô giáo nhớ chứ, ông Vunphran đáp. – Cô đã nói tôi: “Việc sáng tạo
ra những cái cần thiết cho những nhu cầu của chúng ta là một đức tính
căn bản!”. Nhưng hình như còn một đức tính nữa cho những người khác!
Và chính cái đó, cháu tôi đã làm! Nhưng chúng ta chỉ bắt đầu thôi! Xây
dựng những nhà trẻ, những nhà ở có đủ tiện nghi, những Câu lạc bộ cho
công nhân mới là a, b, c của vấn đề xã hội. Tôi hy vọng chúng ta sẽ có
thể đi xa hơn, sâu hơn. Không phải với những cái đó mà chúng ta giải
quyết vấn đề. Chúng ta mới ở điểm xuất phát: rồi cô sẽ thấy, sẽ thấy…