"Bớ các hàng quán, ngày rằm tháng tới quan Thái thú tiếp các huyện
lệnh, huyện trưởng trong quận, tuyên đọc lệnh cống nộp sang năm và các
chính sách mới, mọi hàng quán phải treo đèn kết hoa, mở cửa bán hàng để
tỏ lòng tôn kính, trung thành. Bớ này..."
Rồi bọn lính loa xong, giật mạnh cương ngựa, phóng đi để lại một
đám bụi mù bốc cao, phủ lên những mái nhà cũ kỹ.
Sáng ấy Lục An dậy muộn, bèn ăn mặc như một khách thương, bỏ bữa
ăn sáng thường lệ để đi dạo phố. Phố xá của người Giao Chỉ với người ở
Phiên Ngung, ở Quế Dương có gì hao hao giống nhau. Thoạt đầu Lục An
dạo qua phố bán đồ ăn uống, ghé vào hàng bán ốc luộc. Chủ hàng là một
phụ nữ trung niên mặc váy rộng giấn bùn, ngực đeo chiếc yếm cũ kỹ đang
xới ốc vào bát cho mấy cô gái trẻ. Bát ốc bốc khói, có rắc lá chanh thơm
sực mũi. Các cô gái xuýt xoa, thơm ơi là thơm. Một cô kêu cho xin nước
chấm. Bà chủ luôn mồm đáp, có ngay, có ngay. Bà bưng một chiếc mẹt đan
bằng nan tre, trên để mấy bát nước chấm sóng sánh. Bên cạnh bát nước
chấm là một lô gai chanh to và nhọn.
Lục An không rõ người ta ăn ốc luộc thế nào, bèn chăm chú nhìn. Các
cô gái dùng tay nhón con ốc nóng hổi lên, lấy gai chanh khều ốc, chấm vào
bát nước chấm rồi bỏ vào miệng nhai ngon lành. Lục An tự kéo ghế là một
khúc gỗ nhỏ, vén áo ngồi xuống, ra hiệu bà chủ cho một bát ốc. Bà chủ
nhìn Lục An, biết y là người từ xa đến liền vồn vã, xin mời quan khách, xin
mời quan khách. Bà xới một bát ốc, rót vào chiếc bát con nước chấm, nhặt
hai chiếc gai chanh, đặt tất cả lên chiếc sàng nhỏ đưa đến cho y. Lục An
bưng bát nước chấm lên mũi ngửi, lập tức tái mặt. Y móc áo lấy ra chút bạc
vụn để lại, rồi lao ra ngoài, miệng nôn thốc nôn tháo. Mấy cô gái thấy thế
cười phá lên, ông khách này không biết ăn nước mắm.
Phải một lúc lâu Lục An mới hoàn hồn. Y rút khăn lau mặt rồi quay
trở lại dinh Thái thú. Tích Quang vừa trông thấy mặt Lục An đã hiểu ngay
chuyện gì vừa xảy ra. Quang nói: