cho người thiếu thuế, dẫn bố Văn Thon và bảy người kia về. Bởi vì chầu
mường là dòng họ chúa Viêng Chăn, quyền to lắm. Không có chúa thì Thái
Lan chiếm đất Viêng Chăn từ lâu, hoặc chúa Châmpaxắc làm cỏ dân Viêng
Chăn, hoặc chúa Luăng Pờrabăng tràn xuống cướp trâu giết người mất (2).
Làm dân phải theo lệnh chúa. Chầu mường bảo thế, các cụ lão làng nghe
phải, bèn khuyên dân không được làm hỗn.
-----
(2) Trong thời kỳ Pháp thuộc, Pháp vẫn giữ nguyên tình trạng phong
kiến phân tranh ở Lào. Nước Triệu Voi thành lập vào thế kỷ XIV, đến thế
kỷ XVIII thì tan rã thành nhiều nước nhỏ chống nhau: Viêng Chăn, Luang
Prabang, Mương Phôn, Châmpaxắc.
Trong làng có ông giáo Bun dạy trường nhà nước ở Viêng Chăn, nghỉ
hè về làng chơi. Ông giáo Bun học rộng, đọc được chữ Lào, chữ Phạn, chữ
Pháp, lại quen biết nhiều quan chức. Ông vốn gốc nhà nghèo, nên ông thích
chơi với dân làng. Văn Thon còn nhớ rõ dáng đi của bác Bun ngày ấy:
khom lưng, vắt tay, nom yếu oặt mà đúng cái dáng con người lận đận.
Đêm đêm, bác Bun ngồi tán chuyện với bố Văn Thon và các chú các
bác. Họ hút thuốc nhiều, khói ngập nhà. Ai có rượu thì mang đến, mỗi
người nhấp một chén. Văn Thon nằm cạnh bố, nghe các chú bác nói những
câu chuyện lạ tai.
- Hồi tôi còn bé ngần này, làng ta cũng nhộn mất mấy tháng. Là cái
ngày cụ Cà Đuột gọi dân đi chống sưu thuế ấy. Ai theo cụ thì xưng là phù
mi bun (người có phúc). Về sau đi tù cũng nhiều...
- Trên Bô Lô Ven yên chửa?
- Chưa. Cụ Côm Ma Đam chưa hàng. Cái dân La Ven ấy, khó trị lắm.
Đánh nhau hơn hai mươi năm rồi mà nhà nước chưa dám cho quan về vùng
họ.