- Cái quân vô đạo ấy, về sau quỷ vương Thê Va Thắt cứ là vặt như
sung nẫu.
- Thời buổi này sao mà láo nháo! Dà ơi!
Họ thức khuya bàn những chuyện như thế và tia lửa dữ nhóm lên
trong mắt. Chưa ai nói ra miệng cái ý nghĩ chung đang thít vào bấy nhiêu
khối óc như sợi dây leo thít vỏ cây: "Cơ ngơi này không sống nổi, phải
chống sưu thuế". Bao giờ chống, chống cách nào, ai cầm đầu, họ chưa biết
tí gì. Bác Bun chỉ hút thuốc lá, thỉnh thoảng đế vào một câu lơ lửng mà cay
như ớt chuột, người nghe cứ nẩy mình lên.
Về sau, bác Bun lên tỉnh dạy học, chỉ về làng ngày chủ nhật. Bác nói
chuyện riêng với bố Văn Thon rất nhiều, giúi cho những tờ giấy in chữ
Lào. Mẹ hỏi, bố bảo là bài con lâm của người tỉnh hay hát. Văn Thon một
hôm chơi nghịch lấy tờ giấy ra bày mâm cúng, bị bố tát cho một cái. Bố mẹ
Văn Thon không dám đánh con bao giờ, dân làng cũng thế. Mẹ dỗi bố, bỏ
cơm. Bố theo dỗ mẹ mãi, bảo rằng kinh Phật in trên giấy không được làm
uế tạp. Văn Thon đâm sợ những cái giấy vừa là bài hát vừa là kinh Phật ấy.
Đột ngột, cuộc đấu tranh nổ.
Những người đánh voi và chở thuyền mang cá khô lên tỉnh bán, cùng
hối hả quay về làng rỉ tai bà con:
- Chợ búa nghỉ hết, dân thợ không đi làm. Họ kéo nhau hàng trăm đi
chật phố, giơ một cái nắm tay đòi bớt thuế.
- Nghe đồn thợ mỏ thiếc Phôn Tiu bỏ việc, bắt nhà nước trả thêm tiền
tháng.
- Các làng gần tỉnh rục rịch cả. Họ cũng đói như ta.