Khu căn cứ du kích từ trên mạn bắc loang xuống đến sông Xê Ban là
hết. Cách đó hơn một trăm cây số, về phía Nam sông Nậm Đăm, lại một
khu du kích lớn nữa nằm lọt thỏm trong lòng địch. Hai mảng đỏ trên bản đồ
bị phòng tuyến sông Nậm Đăm cắt lìa: một đường xích chi chít những
chấm vuông đen, cắm cờ xanh trắng đỏ. Nó như con dao bầu thiến ngang
bụng mặt trận Tây Nam, xén đứt những đường dây liên lạc và tiếp tế giữa
hai khu du kích. Qua bảy năm chiến tranh rồi, chưa hề có viên đạn nào bắn
vào mười hai cứ điểm của phân khu Pà Thạc dọc bờ sông Nậm Đăm.
Ngược lại, các làng vũ trang chung quanh đồn thường mang đầu cán bộ
Itxala đến lĩnh muối thưởng.
Giữa năm nay, Pháp tung ba trung đoàn vào khu du kích phía Nam,
càn đi quét lại như bừa xáo. Hai đại đội Itxala và Tình nguyện cùng với hơn
nghìn du kích quần nhau với ngót vạn quân địch, đánh bật chúng ra. Pháp
bỏ chiến thuật cũ, chuyển sang càn lâu quét kỹ, thắt dần túi lưới. Máy bay
đổ đến như những đợt sóng lửa, dội na pan đốt làng. Bảy chục con voi dàn
hàng ngang xéo lúa đều đặn từng khoảnh, từng ô. Không hạt muối mẩu sắt
nào lọt được vào khu du kích. Nhân dân ăn củ rừng chấm tro nứa, chặt lưỡi
cuốc lấy sắt rèn dao, cắm chông gài bẫy kín một vùng rộng hơn năm nghìn
cây số vuông. Nhưng rồi bộ đội, du kích phải lùi từng bước vào núi. Vòng
vây thắt dần. Điện báo nguy tới tấp bay về ban chỉ huy mặt trận, về Bộ
quốc phòng Chính phủ kháng chiến Lào.
Theo quyết định của Mặt trận liên minh Lào-Việt-Khơme, một trung
đoàn chủ lực Việt Nam được lệnh bí mật vượt biên giới, phối hợp với bộ
đội Itxala và Quân tình nguyện đánh thốc xuống giữa rốn địch, tiêu diệt
toàn bộ phân khu Pà Thạc. Ngọn đòn rất ác. Nó sẽ đánh gãy nát xương
sống của Pháp ở vùng Tây Nam, phá vỡ trận vây quét dai dẳng dưới kia,
nối liền hai khu du kích, đoạt lại vùng Pà Thạc hơn mười vạn dân. Bộ mặt
của vùng Tây Nam sẽ thay đổi hẳn sau chiến dịch.