Khánh Ngọc nhìn cái nét mặt sầu thảm của ông Phó, lại nhìn đến cái nét
mặt băn khoăn của Trọng Khang:
- Thôi cứ cho hắn đi, ông ạ. Tôi xem hình như hắn mến ông lắm.
- Nhưng cái cảnh tôi bây giờ không phải là cái cảnh tôi ngày trước...
- Không sao. Ông cứ cho đi. Ông thôi đừng nghĩ đến việc ấy nữa. Ông
già kia cứ đi với chúng tôi. Cậu ông bằng lòng rồi.
Trọng Khang lặng lẽ sóng cương đi cạnh Khánh Ngọc.
- Thì cho hắn đi theo để hầu hạ, có làm sao, mà ông phải nghĩ ngợi lôi
thôi.
- Tôi không nói giấu gì cô, trước kia tôi cũng không đến nỗi nghèo, thầy
trò vẫn ở với nhau không rời một bước. Nhưng bây giờ, tôi đã là người đi
làm công, cô bảo lấy đâu mà bao bọc nổi cho y nữa. Y thì không bao giờ
muốn xa tôi cả. Y ở với nhà tôi ngót bốn chục năm nay. Xa tôi thì y thấy
khổ sở vô cùng. Còn tôi, cho đi theo, tôi cũng thấy khó chịu lắm.
- Việc gì mà ông phải khó chịu. Cho đi để hầu hạ ông có được không?
Trọng Khang cười nhạt:
- Đến cái địa vị này, tôi còn đâu dám nghĩ đến chỗ để cho ai hầu hạ mình
nữa. Chẳng những không dám nghĩ, mà tôi cũng không muốn nữa. Con
người ta ở cảnh ngộ nào thì phải xử theo cảnh ngộ ấy.
- Tuy thế, nhưng y là một người nghĩa bộc, nên mới không muốn bỏ chủ
trong lúc thất thế. Có dăm ba người nữa theo, ba tôi cũng không nói gì đâu.
Để rồi tôi sẽ bảo ba tôi. Vả lại y thông thạo vùng này như thế, y cũng giúp
được nhiều việc.