Không biết bao nhiêu lần ông thấy những giọt nước mắt như thế này, tuy
chỉ chốc lát, nhưng đều lắng đọng, có cơ sở, gợn lên những con sóng nhỏ.
Hồi ông còn trai trẻ, cái gì ông cũng bóp nát được. Năm tháng từng trải đã
làm thay đổi, ông rõ dù sao cũng không thể không xem ai ra gì, con người
đều bị nắm trong bàn tay khổng lồ, bất cứ lúc nào cũng có thể nát vụn, bàn
tay khổng lồ ấy được gọi là số phận. Bởi thế, nước mắt Kỳ Dao như chảy vì
ông, làm xúc động lòng ông. Kỳ Dao khóc một lúc rồi lau nước mắt, mắt
đỏ, con ngươi trong vắt có thể nhìn tận đáy, phản chiếu bóng người. Vẻ mặt
Kỳ Dao thoải mái hơn, cũng kiên quyết hơn, tưởng như vừa hoàn thành
nghi thức cáo biệt, từ đây sẽ bắt đầu một giai đoạn mới, nhẹ nhàng xung
trận. Kỳ Dao hỏi:
- Bao giờ có thể đến ở được?
Câu hỏi làm ông Lý bất ngờ, cứ nghĩ rằng Kỳ Dao còn phải băn khoăn,
không ngờ lại dứt khoát nhanh chóng đến thế. Ông ngập ngừng nói lúc nào
cũng được. Vương Kỳ Dao liền nói:
- Ngày mai nhé!
Ông Lý bị động thật sự, bởi nhà mới nói thế thôi, chưa đi thuê, ông đành
nói phải chậm lại ít hôm nữa.
Mấy hôm sau, chừng như ngày nào ông Lý cũng cùng với Kỳ Dao, hoặc ăn
uống hoặc xem Kinh kịch. Ông Lý tuy là người miền nam, nhưng ở Bắc
Kinh lâu ngày và mê luôn Kinh kịch, không thích Việt kịch của quê nhà,
nghe là chán ngay, ông cũng chán cả phim ảnh. Trong Kinh kịch thích nhất
vai đào, chỉ thích đào nam giả nữ, không thích đào nữ, ông cho rằng nam
giả nữ còn nữ hơn cả nữ[1]. Bởi nam hiểu nữ hơn, nữ không hiểu nữ, diễn
viên nữ sắm vai nữ là hình hài nữ, nam diễn viên sắm vai nữ mới nổi thần
thái nữ. Cũng là điều mình không hiểu nổi bộ mặt thật của mình, cũng là
đạo lý người ngoài mới hiểu được sự việc. Ông ghét phim ảnh, nhất là phim
Hollywood, ghét cả các vai nữ trong phim, đó là điều mình tự coi mình là