PHẦN HAI
CHƯƠNG I
1. Cầu Ô
Cầu Ô là nơi dành cho những người chạy loạn. Tháng sáu, hoa chi tử nở,
hương thơm bao phủ như sương mù. Nước vẫn chảy, vẫn chia nhánh, rồi
hợp lại, chảy dưới giọt hiên các nhà. Trên giọt hiên là ngói đen thẳng hàng,
thẳng như kẻ chỉ. Trên dòng nước là cây cầu, nhịp cong rồi lại nhịp cong,
đứng thẳng tăm tắp. Những phố nhỏ như thế này ở miền Giang Nam không
thể đếm hết, cho những ai hoài cổ. Loạn lạc qua đi, ôn lại mọi chuyện cũ,
rồi chấn chỉnh hành trang, tiếp tục đi khai thiên lập địa. Những phố nhỏ này
là tranh thuỷ mặc, tranh chỉ có hai màu, một trắng, màu của không màu;
màu đen, tổng của vạn màu. Kín đáo, cũng rất khái quát. Nó bao gói vạn sự,
vạn vật rồi cho một cái tên gọi; hoặc hạ cờ để vạn vật, vạn sự nghỉ ngơi. Nó
có hơi hướng giáo lý đạo Phật, nói những điều không và tịnh, nhưng không
và tịnh này viết bằng nét bút tinh tế, giống như nguyên lý hội hoạ phương
Tây. Nét bút tinh tế này là cảnh trí rất rất đời thưòng: gạo muối củi lửa, cơm
ăn và áo mặc. Cho nên, cái không lấy thực làm nền, tịnh lấy sự nhỏ nhặt
làm gốc. Nó lấy cần cù làm nhàn rỗi. Đối với những cuộc đời chìm nổi, trái
tim mang thương tích, sẽ là nơi điều trị và nghỉ ngơi tĩnh dưỡng. Những nơi
như thế tựa như được giác ngộ từ trong linh thiêng hỗn độn. Vô tri đạt đến
hữu tri. Người đều là những đạo nhân, không buồn không vui, không oán
thù không trừng phạt, thuận theo vòng luân hồi tự nhiên, không cưỡng lại
trời đất. Ở đây toàn sách triết học, không câu chữ, để cho người ngoài cuộc
viết vào. Buổi sáng, ánh sáng ban mai từ bốn phương chiếu rọi Cầu Ô, như